3 ngân hàng nhận gần 306.000 tỷ tiền gửi của Kho bạc

Quang Hưng | 15:14 13/12/2022

Lượng tiền gửi Kho bạc tăng đột biến là một nguồn hỗ trợ đáng kể giúp nhóm các nhà băng này giảm áp lực huy động tiền gửi từ khách hàng.

3 ngân hàng nhận gần 306.000 tỷ tiền gửi của Kho bạc

Số liệu từ báo cáo tài chính quý III cho thấy, lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại BIDV, Vietcombank, VietinBank tăng mạnh trong quý III và 9 tháng đầu năm.

Theo đó, tại thời điểm 30/9, BIDV có hơn 122.279 tỷ đồng tiền gửi của KBNN, gồm gần 120.700 tỷ tiền gửi có kỳ hạn và hơn 1.600 tỷ tiền gửi thanh toán. Tiền gửi KBNN tại ngân hàng này liên tục tăng theo các kỳ báo cáo, từ 11.787 tỷ đồng vào cuối năm 2022 lên 40.126 tỷ khi kết thúc quý I, rồi đạt lần lượt 71.978 tỷ và 122.279 tỷ tại thời điểm 30/6 và 30/9.

Tương tự, dòng tiền này cũng chảy mạnh vào VietinBank, từ mức 31.789 tỷ vào cuối năm trước lên 97.463 tỷ đồng tại thời điểm 30/9. Riêng trong quý III, tiền gửi KBNN tại VietinBank đã tăng thêm gần 39.300 tỷ, tương đương 67,5%.

Với Vietcombank, tiền gửi KBNN vào cuối tháng 9 đạt 86.244 tỷ đồng, gấp hơn 11 lần so với thời điểm 31/12/2021. Trong quý III, lượng tiền gửi này đã tăng thêm gần 27.200 tỷ đồng.

Tính chung, ba ngân hàng quốc doanh trên nhận gần 306.000 tỷ tiền gửi KBNN tại thời điểm 30/9, tăng hơn 254.700 tỷ so với cuối năm ngoái. Riêng quý III, lượng tiền gửi này tăng thêm gần 117.700 tỷ đồng.

kbnnn.png

Xu hướng tăng mạnh của tiền gửi KBNN tại các ngân hàng diễn ra trong bối cảnh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất chậm. Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng năm 2022 đạt 46,44% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 51,34%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (55,80%). Điều này đồng nghĩa một lượng tiền lớn dùng cho hoạt động chi tiêu công không được sử dụng đến trong nửa đầu năm.

Về phía các ngân hàng, quy mô lượng tiền gửi KBNN tăng đột biến trở thành một nguồn hỗ trợ đáng kể giúp nhóm Big4 giảm áp lực huy động tiền gửi từ khách hàng.

Kể từ đầu năm đến nay, trong khi các ngân hàng tư nhân liên tục tăng lãi suất huy động thì thị trường chỉ chứng kiến 2 – 3 lần điều chỉnh biểu lãi suất của nhóm Big4. Hiện chênh lệch lãi suất huy động giữa nhóm tư nhân lớn và các ngân hàng quốc doanh đã lên tới 1,5 – 2%/năm tùy từng kỳ hạn.

Với việc chiếm gần một nửa thị phần lớn trong cơ cấu huy động và cho vay trong hệ thống (quanh 50%), dòng tiền lớn của KBNN trú ngụ tại Big4 cũng có tác động đáng kể giúp kiềm chế cuộc đua lãi suất huy động.

Tiền gửi Kho bạc ứ đọng tại các ngân hàng không phải là vấn đề mới. Không xa trước đây, có thời điểm nguồn tiền gửi này đọng tới khoảng 500 nghìn tỷ đồng trong hệ thống ngân hàng, mà đại diện lãnh đạo Chính phủ khi đó phải đặt ra yêu cầu cân đối bớt tại diễn đàn Quốc hội…Tuy nhiên, điều đáng chú ý là phần lớn tiền gửi của KBNN hiện nay là tiền gửi có kỳ hạn với đặc điểm có tính cố định hơn, lãi suất nhận được cao hơn nhiều so với tiền gửi thanh toán không kỳ hạn.

Trước đây, lượng lớn tiền gửi của KBNN nằm dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn với số dư thường xuyên duy trì ở mức hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức này sẽ được kết chuyển về Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước thay vì để qua đêm tại ngân hàng thương mại như trước đây. Đồng thời, các ngân hàng sẽ phải đấu thầu công khai để được nhận tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc.

Quy định này thúc đẩy Kho bạc Nhà nước cơ cấu lại tiền gửi tại ngân hàng theo hướng giảm tiền gửi thanh toán, tăng tiền gửi kỳ hạn. Trong khi các ngân hàng cũng được nhận các khoản tiền gửi có tính ổn định hơn.

Tiền gửi của KBNN theo quy định sẽ phải đấu thầu công khai, song cơ hội để nhận được khoản tiền khổng lồ này chủ yếu vẫn thuộc về các ngân hàng quốc doanh do nguyên tắc ''chọn mặt gửi tiền''.

Cụ thể, để được nhận tiền gửi của KBNN, trước tiên, các ngân hàng phải có tên trong danh sách "nhà băng có mức độ an toàn cao" do Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho Bộ Tài chính. Sau đó, từ danh sách này, KBNN sẽ đánh giá một lần nữa nhưng dựa trên 4 tiêu chí do Bộ Tài chính quy định. Qua hai vòng đánh giá này, các ngân hàng sẽ tham gia chào thầu: ai trả lãi cao, ngân hàng đó được ưu tiên.

4 tiêu chí do Bộ Tài chính quy định gồm: quy mô tổng tài sản; tổng vốn chủ sở hữu; nợ xấu so với dư nợ tín dụng; kết quả hoạt động kinh doanh (lãi sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân) và được tính theo trọng số. Tuy nhiên, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu vẫn chiếm tới 80% trọng số đánh giá. Vì vậy, với bộ tiêu chí này, hầu như chỉ 4 nhà băng có vốn nhà nước có thể đáp ứng được yêu cầu nhờ cách biệt lớn với nhóm cổ phần về quy mô tài sản và vốn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
3 ngân hàng nhận gần 306.000 tỷ tiền gửi của Kho bạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO