Theo CNBC, vào ngày 29/9/1916, nhiều tờ báo công bố về một cột mốc tài sản tưởng như không thể đạt được, đó là thế giới có tỷ phú USD đầu tiên.
Khi đó, tờ New York Times giật tít "Cổ phiếu Standard Oil đạt mức giá 2.014 USD/oz đưa người đứng đầu công ty này trở thành một tỷ phú". Theo bài báo này, với đà tăng mạnh của cổ phiếu Standard Oil đã đưa ông John D. Rockerfeller, nhà sáng lập, đồng thời là cổ đông lớn nhất của công ty, gần như chắc chắn trở thành tỷ phú.
Hơn một thế kỷ trôi qua, sau khi tỷ phú đầu tiên của thế giới xuất hiện ở nước Mỹ, giờ là lúc mà nhiều người đặt câu hỏi ai sẽ là người đầu tiên trên thế giới sẽ đạt tới cột mốc tài sản 1.000 tỷ USD.
Theo một báo cáo mới từ công ty giáo dục toàn cầu Informa Connect Academy, nếu dựa trên tốc độ tăng trưởng tài sản hàng năm để dự báo, ông Elon Musk, CEO của Tesla, chủ sở hữu của nền tảng mạng xã hội X, đang trên đà trở thành tỷ phú cán mốc nghìn tỷ USD đầu tiên trên thế giới vào năm 2027.
Theo xếp hạng từ Bloomberg Billionaires Index, tỷ phú Elon Musk hiện là người giàu nhất trên thế giới khi sở hữu khối tài sản ròng trị giá 251 tỷ USD. Sở dĩ Informa Connect Academy dự báo Elon Musk sẽ trở thành tỷ phú nghìn tỷ USD đầu tiên trên thế giới, vì tỷ lệ tăng trưởng tài sản trung bình hàng năm của doanh nhân này là 109,88%.
Tỷ phú Elon Musk là nhà đồng sáng lập của 6 công ty, trong đó bao gồm nhà sản xuất ô tô điện Tesla và Tập đoàn công nghệ Khai phá Không gian (SpaceX). Trong số đó, Tesla là công ty có vốn hóa thị trường là 669,28 tỷ USD và dự kiến đạt mốc nghìn tỷ USD vào năm tới. Ngoài ra, tỷ phú Elon Musk đã mua lại mạng xã hội Twitter vào năm 2022 và sau đó đổi tên nền tảng này thành X, đồng thời cam kết sẽ công bằng, minh bạch hơn.
Gần đây, trong một bài đăng trên X vào cuối tuần trước, ông Elon Musk tiết lộ, siêu tên lửa Starship của SpaceX sẽ bắt đầu thực hiện những sứ mệnh hướng tới Sao Hỏa chỉ sau 2 năm nữa, nếu mọi thứ diễn ra đúng theo kế hoạch.
Ông Elon Musk lần đầu xuất hiện trong danh sách tỷ phú của Forbes vào năm 2012, với giá trị tài sản ròng là 2 tỷ USD. Đến năm 2021, ông trở thành người giàu nhất thế giới, vượt qua cả nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos. Đến tháng 12/2022, ông Musk đã mất vị thế này vào tay tỷ phú Bernard Arnault, khi cổ phiếu của Tesla lao dốc. Tuy nhiên, chỉ 6 tháng sau đó, Elon Musk đã vươn lên đứng đầu danh sách người giàu nhất thế giới.
Ngoài Elon Musk, những ai có khả năng gia nhập CLB nghìn tỷ USD?
Theo báo cáo của Informa Connect Academy, ngoài Elon Musk, người thứ hai có thể đạt được "kỳ tích" một nghìn tỷ USD sẽ là tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani, nhà sáng lập của Tập đoàn Adani Group. Cụ thể, nếu tỷ phú Adani giữ được tốc độ tăng trưởng tài sản mỗi năm là 123%, ông sẽ đạt được tới mốc tài sản nghìn tỷ USD vào năm 2028.
Người thứ ba trên thế giới có thể đạt được mốc tài sản khổng lồ trên là CEO Nvidia Jensen Huang. Vị doanh nhân này là người có khối tài sản ròng cá nhân tăng vọt từ 3 tỷ USD lên tới 90 tỷ USD chỉ trong 5 năm. Nếu tài sản của CEO Nvidia tiếp tục tăng trưởng với tốc độ hàng năm 112% thì ông sẽ có thể đạt được mốc tài sản nghìn tỷ USD vào năm 2028.
Người thứ tư có thể gia nhập vào "CLB nghìn tỷ USD" là tỷ phú Indonesia Projogo Pangestu, nhà sáng lập của Tập đoàn Barito Pacific Group. Theo dự báo của báo cáo trên, tỷ phú Prajogo Pangestu có thể đạt được nghìn tỷ USD vào năm 2028.
Ngoài ra, tỷ phú người Pháp Bernard Arnault, Chủ tịch của LVMH - tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới, hiện đang giàu thứ ba trên thế giới, có khả năng sẽ trở thành tỷ phú nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Thực ra giới phân tích đã tiến hành dự báo về sự xuất hiện của tỷ phú sở hữu tài sản lên tới 1.000 tỷ USD trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có ai đạt được giá trị tài sản ròng lớn tới như vậy. Hơn nữa, giá cổ phiếu của Tesla, Nvidia và LVMH có thể sẽ không tăng nhanh trong 5 năm tới như 5 năm qua.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sau hơn 100 năm kể từ khi có tỷ phú USD đầu tiên, tỷ phú nghìn tỷ USD đầu tiên trên thế giới có thể sẽ xuất hiện trong thập kỷ tới.
Bài tham khảo nguồn: CNBC, RT, Bloomberg