19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thay đổi ra sao sau khi về chung "mái nhà" Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp?

Trọng Hiếu | 06:35 27/09/2023

Tính riêng trong năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty thuộc CMSC đạt 1,87 triệu tỷ đồng chiếm 20% GDP cả nước.

19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thay đổi ra sao sau khi về chung "mái nhà" Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp?

Tại Tọa đàm “Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: “Nhìn lại và Hướng tới” diễn ra sáng 26/9, ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, sau khi chuyển 19 tập đoàn, tổng công ty về dưới sự quản lý của Ủy ban, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ổn định, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của nhà nước, hạn chế thất thoát tài sản nhà nước, cơ bản đã bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

So với năm 2018 (thời điểm chuyển về Ủy ban), theo BCTC của các tập đoàn, tổng công ty đến thời điểm cuối năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất tăng từ 1,05 triệu tỷ đồng lên 1,15 triệu tỷ đồng. Tổng tài sản hợp nhất tăng từ 2,3 triệu tỷ đồng lên 2,5 triệu tỷ đồng; các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt được hàng năm có sự tăng trưởng.

Tính riêng trong năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,87 triệu tỷ đồng chiếm 20% GDP cả nước (tăng 0,6% so với năm 2018). Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 103.309 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 227.990 tỷ đồng. Đáng chú ý, tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã đạt doanh thu kỷ lục kể từ khi thành lập đến nay.

Bên cạnh đó, các Tập đoàn, Tổng công ty góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động địa phương và trên cả nước với mức thu nhập bình quân năm liên tục cao hơn mức thu nhập trung bình cả nước; đồng thời thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách an sinh, xã hội.

Đáng chú ý, sau 5 năm chuyển về Ủy ban quản lý, 19 tập đoàn, tổng công ty đã phê duyệt/triển khai thực hiện/ hoàn thành đầu tư 185 dự án nhóm A, 455 dự án nhóm B. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Tập đoàn, Tổng công ty, Ủy ban đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng và các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư; trong đó một số dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ.

Trong giai đoạn 2018 - 2023 , Ủy ban đã tích cực chỉ đạo, phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty thực hiện Kế hoạch đầu tư phát triển với tổng giá trị đầu tư ước đạt 769.969 tỷ đồng.

Đối với hoạt động xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương, Ủy ban đã báo cáo, đề xuất và được cấp có thẩm quyền đồng ý phương án xử lý đối với 8/12 dự án, giao doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện. Với 4 dự án còn lại, Ủy ban đã trình Thủ tướng phương án xử lý với 3 dự án.

00b63dd4-4b84-48cd-80f1-5479c13b992b.jpg

Để phát huy vai trò của các tập đoàn, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội, ông Sơn cho biết, Ủy ban đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Một là, xây dựng chiến lược, kế hoạch SXKD và đầu tư phát triển gắn với phát triển ngành, lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật của các Tập đoàn, Tổng công ty và quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để sớm triển khai thực hiện.

Hai là, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ SXKD; các Tập đoàn, Tổng công ty có thế mạnh, điều kiện thuận lợi phải phấn đấu vượt kế hoạch được giao để góp phần đạt kết quả cao nhất; trước hết, hoàn thành kế hoạch SXKD năm 2023 đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước (năm 2023 ít nhất là 160.549 tỷ đồng) và giải quyết việc làm cho người lao động (cho khoảng 722.000 lao động).

Ba là, chủ động đầu tư theo chiến lược, kế hoạch và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, bảo đảm hiệu quả tổng thể, phát triển bền vững, phù hợp cơ chế thị trường. Nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch được giao hằng năm, bảo đảm hiệu quả, đúng quy định và phát triển bền vững. Phấn đấu đẩy nhanh tiến độ để đưa các dự án đầu tư mới vào hoạt động theo đúng tiến độ đề ra.

Bốn là, đẩy mạnh đổi mới, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp theo cơ chế thị trường và các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế; thiết lập hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sử dụng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

Năm là, nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua đẩy mạnh tiết kiệm trong các khâu sản xuất; nghiên cứu phương án kỹ thuật, công tác cải tiến sử dụng nguyên phụ liệu thay thế phù hợp vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ và đảm bảo hạ giá thành. Tăng cường quản lý và thu hồi công nợ, đảm bảo tình hình tài chính và dòng tiền cho hoạt động của doanh nghiệp lành mạnh.

Sáu là, tiếp cận có hiệu quả hơn các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để bảo đảm nguồn vốn đầu tư dài hạn, có chi phí thấp.

Bảy là, nâng cao chất lượng công tác dự báo, phân tích, cảnh báo, phòng ngừa rủi ro.

Tám là, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động SXKD, đẩy mạnh phương thức kinh doanh trực tuyến phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ; nâng cao năng lực, hiệu quả, sức cạnh tranh, uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chín là, phát huy vai trò của tổ chức Đảng tại doanh nghiệp; vai trò của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương.


(0) Bình luận
19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thay đổi ra sao sau khi về chung "mái nhà" Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO