Xuất hiện bẫy lừa đảo mới nhắm vào ví điện tử, 5.500 nghi phạm đã bị bắt, thu giữ 10.400 tỷ đồng

MT | 16:31 28/04/2025

Interpol kết thúc một chiến dịch quét lừa đảo lớn và công bố bẫy lừa đảo mới.

Xuất hiện bẫy lừa đảo mới nhắm vào ví điện tử, 5.500 nghi phạm đã bị bắt, thu giữ 10.400 tỷ đồng

Theo Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế - Interpol, cuối năm 2024, tổ chức này kết thúc một chiến dịch quy mô lớn trên toàn cầu. Chiến dịch HAECHI V, lần thứ năm liên tiếp trong vòng 5 năm, diễn ra từ tháng 7 - 11/2024 với sự tham gia của lực lượng thực thi pháp luật từ 40 quốc gia.

Chiến dịch nhắm vào nhiều loại hình lừa đảo có yếu tố mạng, bao gồm lừa đảo qua điện thoại, lừa đảo tình cảm, tống tiền, lừa đảo đầu tư, cờ bạc trực tuyến bất hợp pháp, lừa đảo chiếm đoạt qua email doanh nghiệp (BEC) và gian lận thương mại điện tử.

Trong khuôn khổ chiến dịch, lực lượng chức năng Hàn Quốc và Trung Quốc đã triệt phá một tổ chức lừa đảo qua điện thoại mà Interpol mô tả là "một mạng lưới lừa đảo quy mô lớn", gây thiệt hại tài chính tổng cộng 1,1 tỷ USD và ảnh hưởng tới hơn 1.900 nạn nhân.

Các đối tượng thường giả mạo cảnh sát hoặc sử dụng giấy tờ tùy thân giả để lừa gạt nạn nhân. Chiến dịch đã dẫn đến việc bắt giữ ít nhất 27 thành viên của nhóm tội phạm có tổ chức này, trong đó 19 người đã bị truy tố.

Cũng trong chiến dịch, một thủ đoạn lừa đảo mới được phát hiện là "USDT Token Approval Scam", nơi kẻ lừa đảo dụ dỗ nạn nhân mua tiền điện tử và sau đó chiếm quyền kiểm soát ví tiền điện tử của họ.

Interpol cho biết đã bắt giữ hơn 5.500 nghi phạm liên quan đến tội phạm tài chính và thu giữ hơn 400 triệu USD (khoảng 10.400 tỷ đồng).

"Chiêu thức lừa đảo mới được tiến hành theo 2 bước, bắt đầu từ việc dụ dỗ nạn nhân bằng các kỹ thuật lừa tình, hướng dẫn họ mua tiền điện tử thông qua một nền tảng hợp pháp", Interpol giải thích, "Sau khi giành được lòng tin, kẻ lừa đảo sẽ cung cấp một đường link giả mạo, yêu cầu nạn nhân thiết lập tài khoản đầu tư. Thực tế, khi nạn nhân nhấp vào liên kết, họ đã cấp quyền truy cập toàn bộ ví tiền cho kẻ gian, cho phép chúng rút tiền mà nạn nhân không hề hay biết".

Bên cạnh đó Interpol cho biết, kẻ lừa đảo thường thu thập dữ liệu từ mạng xã hội hoặc mua dữ liệu bị rò rỉ để xây dựng các chiêu trò lừa đảo dựa trên kỹ thuật xã hội phức tạp. Theo Báo cáo Đánh giá An ninh mạng Người tiêu dùng năm 2024 của Bitdefender, 4/5 người dùng internet thực hiện giao dịch nhạy cảm trên điện thoại mà không có các biện pháp an ninh phù hợp – trong khi nỗi lo lớn nhất của họ là bị hacker chiếm đoạt tiền bạc.

Công nghệ giả giọng nói là một kỹ thuật đặc biệt mang lại lợi ích lớn cho kẻ lừa đảo, gây thiệt hại tài chính nghiêm trọng cho nạn nhân. Kẻ gian lấy mẫu giọng nói từ bản ghi âm hoặc cuộc gọi điện thoại, sau đó sử dụng công cụ AI để tạo ra tình huống khẩn cấp giả mạo, rồi yêu cầu thanh toán gấp để "giải cứu" ai đó.

Một gia đình ở San Francisco đã từng trải nghiệm thủ đoạn này khi kẻ lừa đảo sử dụng công nghệ giả giọng nói để cố thuyết phục cha mẹ trả tiền bảo lãnh cho con trai.

Theo đó, nếu nghi ngờ một cuộc gọi, email hoặc tin nhắn, hãy cân nhắc sử dụng các ứng dụng chuyên chống các cuộc tấn công lừa đảo. Để an tâm hơn, hãy luôn cài đặt và chạy giải pháp bảo mật chuyên dụng trên máy tính và điện thoại của bản thân.


(0) Bình luận
Xuất hiện bẫy lừa đảo mới nhắm vào ví điện tử, 5.500 nghi phạm đã bị bắt, thu giữ 10.400 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO