Xu hướng phi đô la hoá được thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ: Một loạt NHTW lớn lên kế hoạch 'gom' tài sản khác thay cho USD trong dự trữ ngoại hối

An Chi | 07:07 19/06/2024

NHTW của các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ tăng tỷ lệ dự trữ vàng trên toàn cầu sẽ tăng cao khi giảm dự trữ đồng USD. Theo Financial Times, các NHTW này đang “nối gót” các thị trường mới nổi trong việc “gom” thêm vàng.

Xu hướng phi đô la hoá được thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ: Một loạt NHTW lớn lên kế hoạch 'gom' tài sản khác thay cho USD trong dự trữ ngoại hối

Theo một cuộc khảo sát hàng năm được thực hiện bởi Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), gần 60% NHTW của các nước giàu cho rằng tỷ lệ vàng dự trữ trên toàn cầu sẽ tăng trong 5 năm tới. Trong khi đó, chỉ 38% NHTW tham gia khảo sát có quan điểm tương tự vào năm ngoái. 

Khoảng 13% các nền kinh tế phát triển có kế hoạch tăng dự trữ vàng trong năm tới, cao hơn mức 8% vào năm ngoái và là mức cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu được thực hiện. Quan điểm này được đưa ra sau khi các NHTW ở các thị trường mới nổi là những bên mua vàng nhiều nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Trong khi đó, ngày càng nhiều nền kinh tế phát triển (56%, tăng từ 46% của năm ngoái) cũng cho rằng lượng dự trữ USD trên toàn cầu sẽ giảm trong 5 năm tới. 64% NHTW của các nền kinh tế đang phát triển có quan điểm tương tự. 

Nhu cầu đối với vàng được thúc đẩy lên cao hơn bất chấp giá kim loại quý liên tục tăng trong năm nay. Việc này cho thấy sự phân bổ dự trữ đối với đồng USD đã giảm đi, khi các NHTW nỗ lực đa dạng hoá dự trữ ngoại hối. 

Việc các NHTW tích cực mua vàng kể từ năm 2009 và giá vàng tăng cao đã giúp tỷ trọng kim loại quý trong dự trữ quốc tế toàn cầu cao hơn, qua đó "vượt mặt" các loại tiền tệ truyền thống. Đến cuối năm 2023, vàng đã vượt qua đồng euro và loại tiền tệ pháp định tiếp theo bị "thách thức" là đồng USD.

Shaokai Fan, trưởng nhóm nghiên cứu về các NHTW tại WGC, cho biết: “Năm nay chúng ta đã chứng kiến sức mua vàng mạnh hơn nhiều. Các nước giàu đang nói rằng vàng sẽ có tỷ trọng lớn hơn trong dự trữ ngoại hối so với đồng USD.”

Ông nói thêm: “Không phải các thị trường mới nổi không đưa ra quan điểm này, mà là các thị trường phát triển cũng đang nối gót họ với việc dự trữ vàng.”

Cuộc khảo sát này cho thấy tỷ lệ các NHTW có kế hoạch dự trữ vàng ở mức cao kỷ lục kể từ khi bắt đầu thực hiện cách đây 5 năm, đạt 29%. Trong số các NHTW của các nền kinh tế mới nổi tham gia khảo sát, gần 40% có kế hoạch tăng tỷ lệ nắm giữ. 

Những lý do khiến mà các NHTW muốn nắm giữ vàng là giá trị lâu dài của kim loại quý, giá trị vững chắc trong thời kỳ khủng hoảng và là công cụ đa dạng hoá hiệu quả. 

Theo WGC, các NHTW đã mua thêm hơn 1.000 tấn vàng vào kho dự trữ ngoại hối trong năm 2022 và 2023. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các loại tài sản định danh bằng USD của Nga đã thúc đẩy các định chế tài chính ngoài phương Tây đổ xô mua vàng. 

Tốc độ mua vàng của các NHTW tiếp tục mạnh lên và kéo dài đến năm nay, qua đó đẩy giá vàng tăng lên gần 1.450 USD/ounce vào tháng trước. Mức giá này tăng 42% kể từ khi xung đột Israel - Hamas xảy ra vào tháng 10 năm ngoái.

Trong khi đó, nghiên cứu của IMF cho thấy, trong tháng này, tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu (không bao gồm vàng) đã giảm mạnh từ hơn 70% vào năm 2000 xuống còn khoảng 55% vào năm ngoái. WGC cho biết, nếu tính cả vàng, thì tỷ trọng của đồng USD đã giảm xuống 1 nửa. 

Dù tỷ trọng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc trong dự trữ ngoại hối đã tăng lên, song nền kinh tế nước này gặp khó khăn đã khiến số NHTW kỳ vọng tăng dự trữ NDT đã giảm từ 79% vào năm ngoái xuống còn 59% trong năm nay.

Tham khảo FT 


(0) Bình luận
Xu hướng phi đô la hoá được thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ: Một loạt NHTW lớn lên kế hoạch 'gom' tài sản khác thay cho USD trong dự trữ ngoại hối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO