Có lẽ chưa thời điểm nào, mặt bằng nhà phố cho thuê tại trung tâm Tp.HCM và khu ven lại có tỉ lệ trống nhiều như hiện tại. Ngay cả thời điểm Covid-19, tình trạng trống mặt bằng cũng không diễn ra như hiện nay. Có không ít mặt bằng dán biển chằng chịt, bỏ trống cả năm vẫn không có người hỏi thuê.
Không khó bắt gặp các mặt bằng cho thuê bỏ trống trên các tuyến đường sầm uất của Tp.HCM như quận 1, quận 3, quận 5, quận Tân Bình. Đáng nói, có khá nhiều mặt bằng bỏ trống là các căn nhà mặt phố mặt tiền liền kề nhau.
Một cô bán đồ ăn vặt trên đường Lý Tự Trọng, quận 3 chia sẻ: “Những mặt bằng này mà cho thuê được cũng cả mấy trăm triệu đồng mỗi căn/ tháng. Giờ đây bỏ trống lâu ngày vẫn chưa thấy ai tới thuê”.
Mới đây, ba mặt bằng liên tiếp nhau trên đường Võ Văn Tần, quận 3, Tp.HCM dù đã treo biển gần một năm nay vẫn đóng cửa im lìm. Đây là ba căn có tổng diện tích hơn 300m2, ở vị trí rất đẹp của quận 3. Sau thời gian cho thuê cả cụm không được, chủ nhà đã tách căn để cho thuê nhưng hiện vẫn bỏ trống. Với giá thuê 80 triệu đồng/căn/tháng, hiện mặt bằng chưa tìm được người thuê mới.
Tương tự, 3 căn nhà mặt tiền đường Lý Tự Trọng, quận 3 nối đuôi nhau bỏ trống. Dù không xác định được thời gian bỏ trống nhưng nhìn những mảng tường cũ kỹ, căn nhà xuống cấp… có thể đoán rằng, mặt bằng đã bị bỏ trống từ khá lâu.
Khảo sát cho thấy, rất nhiều mặt bằng tại trung tâm Tp.HCM, ở các tuyến đường buôn bán nhộn nhịp rơi vào tình trạng ế ẩm. Nghĩa là, dù rao thuê từ rất lâu nhưng vẫn không tìm được người thuê mới. Trước đây, các mặt bằng liền kề, diện tích lớn được các thương hiệu săn đón thì hiện tại bỏ trống khá nhiều.
Cùng với đó, tỉ lệ người thuê trả mặt bằng cũng gia tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Điều này cho thấy những khó khăn về kinh tế đã tác động trực tiếp đến bức tranh của thị trường nhà cho thuê, mặt bằng cho thuê.
Đáng nói, dù ế ẩm hàng loạt, nhiều chủ thuê vẫn khá kén chọn khách. Họ thường mong muốn khách thuê theo yêu cầu thay vì khách ngẫu nhiên từ môi giới.
Chẳng hạn, một mặt bằng ở góc 2 mặt tiền (kết cấu 1 trệt, 3 lầu và sân thượng). Môi giới cho biết chủ nhà rất kén khách thuê, Lưu Văn Lang và Nguyễn Trung Trực, quận 1 cho thue với giá 28.000 USD/tháng (khoảng 662 triệu đồng). Tuy vậy, theo môi giới, chủ nhà mong muốn người thuê kinh doanh thời trang, quán cà phê thay vì mở quán bar.
Hay, mặt bằng ở mặt tiền Nguyễn Thị Minh Khai giao với Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 đang cho thuê với giá 100 triệu đồng/tháng. Chủ nhà chỉ cho khách mở showroom, kinh doanh thời trang thuê mặt bằng chứ không chấp nhận cho khách mở nhà hàng hay dịch vụ ăn uống.
Một mặt bằng 4 căn liên tiếp nhau ở ngã tư Lý Tự Trọng - Trương Định để trống suốt 2 năm. Tuy vậy, theo lời môi giới, chủ nhà có tiềm lực mạnh về kinh tế nên chỉ muốn cho các thương hiệu lớn thuê và chỉ tiếp khách thiện chí. Dù môi giới dẫn một số khách thuê nhưng không theo yêu cầu thì chủ thuê cũng từ chối.
“Một số chủ thuê họ chấp nhận kéo dài thời gian bỏ trống chứ không nhận khách thuê ngoài mảng kinh doanh mà họ vạch ra. Có thể do vấn đề rủi ro dòng tiền hoặc sở thích của chủ nhà”, một môi giới chia sẻ.
Theo những người trong ngành, mặt bằng khu trung tâm Tp.HCM chủ yếu để kinh doanh nhóm sản phẩm phục vụ khách du lịch, khách quốc tế. Do đó, khi lượng khách này sụt giảm, doanh thu giảm thì chủ thuê nhà không còn nguồn thu, buộc họ phải trả mặt bằng.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh theo chuỗi do nguồn thu giảm nên họ hạn chế mở rộng thêm. Doanh nghiệp sẽ xem xét bài toán chi phí, nếu phí thuê mặt bằng quá cao thì buộc họ phải tìm kiếm khu vực khác.