Mới đây, cộng đồng các nhà bán hàng rầm rộ thông tin sàn thương mại điện tử TikTok Shop có thông báo “Cập nhật chính sách ưu đãi Quý 2/2024”. Trong đó, đề xuất giá bán và khuyến khích người bán đặt mức giá bằng nhau hoặc thấp hơn so với các nền tảng khác.
Ngay lập tức, chính sách mới đang gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng nhà bán hàng online tại Việt Nam. Thực hư thế nào?
Chính sách mới đang gây xôn xao là gì?
“Nhà bán hàng được khuyến khích để giá bán các sản phẩm của mình trên các nền tảng là bằng nhau, khi nhà bán hàng cân đối được tỷ lệ giá bán tốt, nhà bán hàng sẽ được hưởng ưu đãi về mặt voucher (mã giảm giá) và traffic (lượt truy cập) trên TikTok Shop”, theo nội dung thông báo được cho là chính sách mới từ TikTok Shop gửi cho các nhà bán hàng.
Thông báo này đồng nghĩa TikTok Shop khuyến khích người tham gia kinh doanh trên sàn của mình đặt mức giá bằng nhau hoặc thấp hơn cho cùng sản phẩm của chính họ đang để trên các nền tảng TMĐT khác.
Cũng theo hình ảnh thông báo cho thấy, TikTok Shop sẽ áp dụng công thức tính điểm gian hàng dựa trên chỉ số PD (Price Disadvantage - Giá bán chưa tốt hay Giá bán bất lợi). Nếu giá trị %PD của nhà bán lớn hơn 20%, họ sẽ bị loại khỏi các chương trình hỗ trợ về voucher và lượt truy cập trên nền tảng. TikTok Shop cho rằng việc này nhằm đảm bảo trải nghiệm người dùng và duy trì sự tăng trưởng bền vững.
Như vậy có thể thấy, với chính sách này các shop bán hàng sẽ không thể tự quyết định giá theo chiến lược kinh doanh riêng trên các nền tảng khác nhau. Những nhãn hàng hoặc nhà bán hàng, các đơn vị bán trung gian, affiliate cũng sẽ bị tác động trực tiếp từ chính sách này.
Nếu như nhà bán hàng điều chỉnh giá bán giảm so với trước đây, khách hàng sẽ được lợi vì mua giá rẻ, nhưng nhà bán hàng sẽ phải chấp nhận giảm bớt lợi nhuận, giảm bớt chi phí cho các khâu trung gian... Nếu giá bán tăng lên so với trước, khách hàng sẽ tốn kém chi phí hơn, điều này cũng gây khó khăn cho việc “chốt đơn” bán hàng.
Cộng đồng nhà bán hàng nói gì?
Nhiều nhà bán hàng bày tỏ sự bất bình về chính sách này. Họ cho rằng việc TikTok Shop áp dụng các biện pháp kỹ thuật để giảm tương tác với sản phẩm nếu không đáp ứng được yêu cầu về giá bán sẽ gây khó khăn cho những người bán chân chính.
Một số người khác cũng đồng tình rằng cuộc chiến "giá rẻ nhất" sẽ khiến những người bán quy mô nhỏ lẻ khó tồn tại, chỉ có những thương hiệu lớn hoặc đầu mối nhập số lượng lớn mới trụ vững được. Họ lo ngại rằng khi nhà bán hàng nhỏ lẻ biến mất, người tiêu dùng sẽ là đối tượng chịu thiệt hại lớn nhất do giá cả tăng cao.
Anh Thanh Tùng, một nhà bán lẻ trên đa nền tảng chia sẻ chưa nhận được thông báo này từ TikTok Shop. Nếu thông tin này là thật thì về quan điểm chung, anh Tùng cho rằng đây là mối quan hệ 3 bên: Khách hàng - sàn - nhà bán hàng.
Theo anh, chính sách này là hợp lý về phía sàn TikTok Shop, vì họ đang cạnh tranh với các sàn khác, nên họ cần thay đổi chính sách để duy trì sự tăng trưởng. Tuy nhiên, về phía người bán chắc chắn việc cảm thấy bị “làm khó” vì chính sách mới từ sàn là điều dễ hiểu.
“Thị trường theo luật cung cầu, bản thân nhà bán hàng bên nào chi phí cao thì đẩy giá cao, không thể ép buộc như chính sách mới từ TikTok Shop (nếu có thật)”, Thanh Tùng cho biết. “Tất nhiên sàn của họ luật chơi của họ, nhà bán hàng kêu thì họ cũng có quyền không thay đổi.”
Về phía người dùng, Thanh Tùng nhận định, người dùng luôn có lợi vì họ không mua ở sàn này thì mua ở sàn khác. TikTok Shop hay các mạng xã hội cũng chỉ là công cụ marketing. Khách chốt sale, check out ở đâu thì câu chuyện tuỳ vào độ hấp dẫn của kênh bán, giá là 1 trong các độ hấp dẫn đó.
Theo Thanh Tùng, nếu thời gian đầu cần phát triển nhanh thì nhà bán hàng có thể chấp nhận điều chỉnh giá để có thêm các ưu đãi, phần thưởng của nền tảng. “Tuy nhiên, đường dài, cần làm đa kênh, đa sàn để tránh phụ thuộc vào 1 bên nào”, Tùng nhấn mạnh.
Còn theo anh Lê Hải Vũ - CEO công ty Velasboost, người trực tiếp livestream các phiên bán hàng của thương hiệu trên TikTok Shop, cho rằng bản thân cũng chưa nhận được thông báo này từ nền tảng.
Trong trường hợp thông báo này có thật thì theo góc nhìn của anh Lê Vũ: "Các nền tảng đều đang cố gắng tối ưu về giá cả, cạnh tranh về bán hàng online thì giá thành vẫn là một điểm cần thiết. Những người bán thật sự có khả năng tối ưu chi phí, nguồn hàng sẽ có lợi thế, vì có thể được hỗ trợ tốt hơn từ nền tảng."
Tuy nhiên, anh Vũ khuyên nhà bán cần cân nhắc kỹ về chi phí, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo lợi nhuận, dòng tiền
"Các nhà bán hàng nhỏ lẻ có thể sẽ vấp phải sự cạnh tranh lớn, nếu bán hàng đơn giản theo kiểu nhập về phân phối, số lượng ít, không có đầu tư thì chắc chắn tương lai cũng sẽ khó khăn, vì sự cạnh tranh ở đây là ở thế giới phẳng, người tiêu dùng ngày càng khôn ngoan, rất khó nếu như ít lợi thế", anh Vũ nói.
Trao đổi với TikTok Shop về tính xác thực của thông báo này cũng như ý kiến về sự việc, chúng tôi chưa nhận được câu trả lời chi tiết. Đại diện TikTok Shop thông báo sẽ có phản hồi sớm nhất.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật sự việc!