Xi măng Bỉm Sơn trình bày phương án thoái vốn tại Xi măng Miền Trung, 2 nhà đầu tư sẵn sàng mua lại

Huyền Trang | 07:06 08/03/2023

CRC chủ yếu sản xuất, kinh doanh, triển khai Dự án Nhà máy xi măng Đại Việt – Dung Quất tuy nhiên dự án gây ô nhiễm môi trường, người dân trong khu vực nhiều lần ngăn cản không cho hoạt động.

Xi măng Bỉm Sơn trình bày phương án thoái vốn tại Xi măng Miền Trung, 2 nhà đầu tư sẵn sàng mua lại

Ngày 6/3/2023CTCP Xi măng Bỉm Sơn (mã: BCC) vừa có văn bản báo cáo Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) và HĐQT CTCP Xi măng Bỉm Sơn về việc thoái/bán vốn của BCC tại CTCP Xi măng miền Trung (CRC).

Cụ thể, tại văn bản này, BCC đã đưa ra 2 phương án đối với số cổ phần sở hữu tại CRC. Thứ nhất là giữ lại CRC theo chiến lược của Vicem và thứ hai là thoái toàn bộ vốn tại CRC.

Đối với phương án giữ lại CRC, BCC cho biết, ngày 27/2/2023, CRC đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi và được UBND tỉnh cung cấp một số thông tin. Hiện nay Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất - Quảng Ngãi đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo quy hoạch thì Nhà máy nằm trong Khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Dung Quất, do đó dân cư xung quanh khu vực sẽ được giải tỏa tái định cư.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất sẽ làm việc với VICEM và BCC trong khoảng thời gian từ ngày 10/3– 15/3/2023 về việc tháo gỡ các vướng mắc và hỗ trợ đưa Nhà máy Xi măng Đại Việt vận hành ổn định.

Từ đầu năm 2023 đến nay, nhà máy hoạt động xuất hàng bình thường, đảm bảo lượng xi măng xuất cho khách hàng. Bên cạnh đó, Công ty tập trung triển khai công tác sửa chữa bảo dưỡng thiết bị, đặc biệt xử lý vệ sinh các thiết bị lọc bụi đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo hạn chế tối đa phát tán bụi ra môi trường.

Về kết quả sản xuất và tiêu thụ từ ngày 1/1/2023 đến 27/2/2023, xi măng tồn kho năm 2022 chuyển sang là 6.608 tấn, xi măng xuất bán là 4.126 tấn.

Đối với phương án thoái vốn, BCC cho biết thực hiện văn bản của HĐTV VICEM và Nghị quyết của HĐQT công ty về phương án thoái vốn toàn bộ vốn đầu tư của Vicem Bỉm Sơn tại CRC với hơn 9,9 triệu cổ phần, chiếm 76,8% vốn điều lệ, giá trị đầu tư là 115 tỷ đồng, đảm bảo thoái vốn thu hồi công nợ của BCC tại CRC. BCC đang triển khai các trình tự theo quy định của pháp luật để thu hồi vốn và thời gian qua đã có nhiều đối tác quan tâm mua lại bao gồm Công ty TNHH MTV Thiên Phú và CTCP Xi măng Đức Sơn.

Theo đó, CRC đã cung cấp hồ sơ cần thiết theo đề nghị của Công ty TNHH MTV Thiên Phú. Ngày 25/02/2023, hai bên tiếp tục làm việc. Qua đó, Công ty Thiên Phú đang nghiên cứu hồ sơ và bày tỏ vẫn tiếp tục quan tâm, mong muốn mua lại Nhà máy Xi măng Đại Việt.

Còn ngày 28/02/2023, BCC đã làm việc với CTCP Xi măng Đức Sơn. Công ty này bày tỏ mong muốn mua lại toàn bộ cổ phần của BCC tại CRC và đề nghị BCC cung cấp một số thông tin về dây chuyền sản xuất, báo cáo tài chính, hồ sơ pháp lý và công nợ đối với các khách hàng để nghiên cứu; Chào giá bán toàn bộ số cổ phần chi phối ( hơn 9,9 triệu cổ phần); Với công nợ của BCC và CRC, sau khi hoàn tất mua, 2 bên sẽ đối chiếu để trả đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Dựa trên các nội dung trên, BCC đề xuất VICEM và HĐQT Công ty sắp xếp lịch để làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc tháo gỡ các vướng mắc và hỗ trợ đưa Nhà máy Xi mang Đại Việt-Dung Quất vận hành ổn định.

Bên cạnh đó, BCC cho biết do việc di dời và tái định cư người dân xung quanh Nhà máy phải có lộ trình và thời gian nên Nhà máy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Nên việc thoái vốn đầu tư và thu hồi đầy đủ công nợ tại CRC, BCC đề nghị VICEM cho phép triển khai theo quy định của pháp luật thoái toàn bộ vốn và thu hồi công nợ.

Cũng trong ngày 28/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 168/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045. Theo Đồ án quy hoạch trình duyệt, tại Bản đồ quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng: Vị trí Nhà máy thuộc phân khu I, Khu công nghiệp phía Đông Dung Quất được quy hoạch là đất công nghiệp, khu cụm công nghiệp, kho tàng; không được bố trí dân cư. Như vậy, vấn đề di dân xung quanh nhà máy xi măng Đại Việt, tạo điều kiện cho Nhà máy hoạt động đúng quy hoạch đã được giải quyết.

Trong năm 2013, BCC đã mua hơn 9,9 cổ phần của CRC, nắm giữ 76,8% cổ phần chi phối công ty với giá hơn 11.500 đồng/cp, tổng giá trị thương vụ hơn 115 tỷ đồng. Theo tìm hiểu, CRC chủ yếu sản xuất, kinh doanh, triển khai Dự án Nhà máy xi măng Đại Việt – Dung Quất, tại xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Trong lúc hoạt động, nhà máy gây phát tán bụi, tiếng ồn ảnh hưởng đến dân cư nên từ năm 2013, các hộ dân lân cận nhà máy đã nhiều lần tập trung đông người cản trở hoạt động. Từ tháng 5/2015, nhà máy đã ngưng hoạt động để cải tạo, nâng cấp hệ thống thiết bị bảo vệ môi trường

Theo Báo Quảng Ngãi, chiều 1/4/2021, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh để trao đổi, thống nhất, đề xuất phương án xử lý phù hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án Nhà máy xi măng Đại Việt-Dung Quất.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng thống nhất quan điểm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng giai đoạn 2 của Nhà máy xi măng Đại Việt. Đồng thời, tỉnh cần có chính sách kêu gọi thu hút đầu tư các dự án vào khu vực này để thực hiện việc giải phóng mặt bằng, di dời dân trong vùng dự án.

Tuy nhiên, Công ty cổ phần xi măng Miền Trung cần lập dự án mở rộng để báo cáo tỉnh. Phải thực hiện đối thoại với các hộ dân để thông báo lộ trình kế hoạch di dời, bồi thường cho các hộ dân với sự đồng ý thống nhất cao của người dân. Đặc biệt, quan tâm đến vấn đề đảm bảo môi trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Xi măng Bỉm Sơn trình bày phương án thoái vốn tại Xi măng Miền Trung, 2 nhà đầu tư sẵn sàng mua lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO