Xe hơi Nhật Bản cũng phải dựa vào công nghệ Trung Quốc, từ Toyota, Nissan cho đến Honda đều nhận thua

Băng Băng | 10:57 28/04/2025

Việc bắt tay với Huawei, Momenta, CATL… đang giúp các hãng xe hơi Nhật rút ngắn lộ trình phát triển công nghệ buồng lái thông minh và ADAS, đảm bảo không bị tụt hậu quá xa so với Tesla, BYD.

Xe hơi Nhật Bản cũng phải dựa vào công nghệ Trung Quốc, từ Toyota, Nissan cho đến Honda đều nhận thua

Tờ Nikkei Asian Review cho hay trong bối cảnh thị trường xe điện Trung Quốc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các ông lớn ôtô Nhật như Toyota, Nissan và Honda đã và đang thúc đẩy liên minh chiến lược với những công ty công nghệ nội địa để rút ngắn chu kỳ phát triển và bắt kịp xu hướng "xe thông minh" tại đây khi họ có thể tự mình cạnh tranh công nghệ.

Những thương hiệu ô tô Nhật Bản này đã hợp tác với Huawei để tích hợp hệ điều hành HarmonyOS, cùng Momenta phát triển hệ thống hỗ trợ lái cấp độ 2, đồng thời ứng dụng trí tuệ nhân tạo DeepSeek và nguồn cung pin từ CATL nhằm đa dạng hóa công nghệ trên mẫu xe dành riêng cho thị trường Trung Quốc.

Bằng cách tận dụng công nghệ địa phương, các hãng xe Nhật hy vọng lấy lại đà tăng trưởng sau giai đoạn Honda ghi nhận doanh số tại Trung Quốc sụt giảm 29% trong 9 tháng đầu năm 2024.

Bên cạnh đó, chiến lược "hợp tác để sinh tồn" này không chỉ giúp rút ngắn tiến độ phát triển sản phẩm mà còn định hình lại hướng đi toàn cầu của các hãng xe Nhật.

"Để cung cấp những chiếc xe mà mọi người mong muốn tại Trung Quốc, chúng tôi cần những bộ óc và bàn tay của người Trung Quốc tham gia vào quá trình phát triển", Tổng giám đốc Li Hui của Toyota Trung Quốc cho biết.

Ô tô Nhật Bản chịu thua

Trung Quốc hiện là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, với hơn 169 thương hiệu và chỉ 14 hãng chiếm hơn 2% thị phần mỗi hãng. Riêng trong triển lãm Auto Shanghai đầu năm 2025, gần 100 mẫu EV mới đã được ra mắt.

BYD, Geely và các "tân binh" như Xpeng, Zeekr liên tục cập nhật công nghệ ADAS, tự lái và khoang lái số với mức giá cạnh tranh, thậm chí miễn phí những tính năng cao cấp.

Những "ông lớn" nội địa như BYD và Geely không chỉ dẫn đầu về doanh số mà còn nhanh chóng đưa tính năng tự lái và khoang lái thông minh phổ cập trên các mẫu xe giá rẻ.

Trong khi đó, các thương hiệu nước ngoài, kể cả Nhật Bản, đang chứng kiến doanh số đi xuống và bị xô lệch về phía cuối bảng xếp hạng.

Áp lực càng gia tăng khi chính phủ Trung Quốc siết chặt quy định về quảng cáo "lái thông minh" và "tự lái" sau một tai nạn liên quan đến hệ thống hỗ trợ của Xiaomi SU7.

Về độ nhận diện, không ít hãng nước ngoài bị gắn mác "chậm chân" so với các đối thủ nội địa, buộc họ phải tìm đến năng lực công nghệ bản địa.

Theo phân tích của Bloomberg, thị phần của sáu hãng xe Nhật tại Trung Quốc đã giảm sâu từ 2019 đến 2024, đánh dấu "một trong những đợt suy giảm lớn nhất" trong lịch sử của các thương hiệu này.

Năm 2020, tổng doanh số của Toyota, Nissan, Honda tại Trung Quốc đạt 4,88 triệu xe nhưng đến 2024 đã sụt giảm khoảng 30% so với mức đỉnh.

Thương hiệu Toyota nổi tiếng nhưng lại có doanh số giảm 22% trong bốn tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ 2024.

Những hãng xe Nhật Bản khác như Nissan cũng thừa nhận đã "chậm chân" và phải công bố đầu tư thêm 1,4 tỷ USD để tăng cường năng lực sản xuất tại Trung Quốc, đồng thời lên kế hoạch ra mắt 10 mẫu NEV mới đến mùa hè 2027.

Hãng Honda cũng trải qua quý lãi sụt giảm 15% do doanh số ở Trung Quốc lao dốc.

"Có một 'nền văn hóa xe hơi' mới ở đây, vì vậy chúng tôi cần học hỏi từ những tài năng và đối tác địa phương", một giám đốc điều hành của Toyota tham dự Triển lãm ô tô Thượng Hải thừa nhận.

Thật vậy, hãng tin Reuters cho hay Trung Quốc đang là tâm điểm của cuộc đua AI và phần mềm ôtô. Ví dụ startup DeepSeek đã phối hợp với nhiều nhà sản xuất để đưa mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) vào TV, máy lạnh… và cả xe ôtô.

Trước tình hình đó, các hãng xe Nhật Bản đã đề ra chiến lược chung là "học hỏi từ năng lực địa phương", tức là tận dụng sự nhanh nhạy và chi phí thấp của các chuyên gia công nghệ Trung Quốc để đẩy nhanh chu kỳ nghiên cứu và sản xuất.

Hệ quả là hàng loạt công nghệ then chốt ngành ô tô Nhật Bản được hợp tác với Trung Quốc.

Ví dụ mẫu sedan điện bZ7 do GAC-Toyota phát triển là chiếc xe đầu tiên trang bị khoang lái thông minh HarmonyOS của Huawei, giới thiệu tại Auto Shanghai 2025.

Đầu tư của Toyota nhằm nâng sản lượng Trung Quốc lên tối thiểu 2,5 triệu xe/năm vào 2030 tạo điều kiện gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và trao quyền cho đội ngũ phát triển bản địa.

Trong khi đó Dongfeng-Nissan trở thành hãng ôtô toàn cầu đầu tiên hợp tác với Huawei để phát triển phần mềm cho "Buồng lái kỹ thuật số" (Digital Cockpit) dự kiến ra mắt năm sau.

Không riêng gì hệ điều hành và khoang lái thông minh, các hãng xe Nhật Bản còn hợp tác về hệ thống hỗ trợ lái nâng cao (ADAS). Ví dụ GAC Toyota và startup Momenta cùng phát triển hệ thống hỗ trợ lái cấp độ 2 (Level 2 ADAS) cho mẫu Bozhi 3X, nhằm cạnh tranh với các tính năng tương tự của các thương hiệu nội địa.

Hãng Nissan thì trang bị công nghệ ADAS do Momenta cung cấp cho mẫu N7 EV, mục tiêu dành riêng cho thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, Honda sẽ ứng dụng nền tảng AI giọng nói DeepSeek để tăng cường trải nghiệm điều khiển bằng giọng nói trên dòng EV Ye, cho phép tương tác chính xác và tự nhiên hơn.

Thậm chí tập đoàn Trung Quốc CATL sẽ cung cấp 123 GWh pin cho Honda từ năm 2024 đến 2030, phục vụ cho dòng e:N Series, giúp Honda giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh về phạm vi hoạt động

Rủi ro và triển vọng

Theo Reuters, việc tiếp nhận công nghệ Trung Quốc giúp các hãng Nhật bù đắp khoảng cách về công nghệ "xe thông minh" ngay tại thị trường lớn, tuy nhiên tạo ra thách thức khi xuất khẩu những mẫu này sang thị trường khác do rào cản địa chính trị.

Tuy nhiên, chuyên môn về công nghệ có được ở Trung Quốc sẽ giúp họ cạnh tranh tốt hơn ở các thị trường khác. Những công nghệ thu được, từ pin LFP, L2 ADAS cho đến phần mềm khoang lái, sẽ được "quay ngược" về các thị trường khác, giúp Toyota, Nissan, Honda cải thiện năng lực cạnh tranh toàn cầu.

"Toyota sẽ tận dụng các sản phẩm và công nghệ tiên tiến được phát triển tại Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng trên thị trường toàn cầu", Tổng giám đốc điều hành Toyota, ông Koji Sato cho biết.

Hãng tin Reuters cho hay việc bắt tay với Huawei, Momenta, CATL… đang giúp các hãng Nhật rút ngắn lộ trình phát triển công nghệ buồng lái thông minh và ADAS, đảm bảo không bị tụt hậu quá xa so với Tesla, BYD.

Mặc dù vậy, việc phụ thuộc quá sâu vào một số nhà cung cấp Trung Quốc có thể khiến chuỗi cung ứng của Nhật Bản chịu áp lực tiền tệ, gián đoạn chính trị hay thay đổi chính sách.

Căng thẳng thương mại leo thang có thể dẫn đến hạn chế xuất khẩu, ảnh hưởng đến quy mô sản xuất và lợi nhuận của các hãng xe hơi Nhật Bản.

Rõ ràng, thị trường xe điện Trung Quốc đang trở thành "phòng thí nghiệm" công nghệ quan trọng cho các hãng ôtô Nhật Bản trong cuộc đua phát triển "xe thông minh".

Việc liên kết với những đối tác công nghệ Trung Quốc không chỉ giúp rút ngắn thời gian phát triển và giảm chi phí, mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh ngay tại thị trường tỉ dân.

Dẫu vậy, bài toán về an ninh, dữ liệu và cân bằng lợi ích trong bối cảnh căng thẳng công nghệ toàn cầu sẽ là thách thức tiếp theo buộc các hãng phải điều chỉnh linh hoạt chiến lược để duy trì vị thế dẫn đầu.

*Nguồn: Nikkei, Financial Times, Reuters

Bài liên quan

(0) Bình luận
Xe hơi Nhật Bản cũng phải dựa vào công nghệ Trung Quốc, từ Toyota, Nissan cho đến Honda đều nhận thua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO