WSJ: Nga thiếu nhiên liệu nghiêm trọng, lệnh cấm xuất khẩu không hiệu quả, Tổng thống Putin lên tiếng

Duy Anh | 23:54 29/09/2023

Nga hiện đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng trong nước khiến Điện Kremlin bất ngờ ra lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng từ hôm 21/9.

WSJ: Nga thiếu nhiên liệu nghiêm trọng, lệnh cấm xuất khẩu không hiệu quả, Tổng thống Putin lên tiếng
Tổng thống Vladimir Putin và Giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin. Ảnh: Zuma Press

Wall Street Journal (WSJ) đưa tin, Nga - một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới đột nhiên lại đối mặt với tình trạng cạn kiệt nhiên liệu trong nước. Sự thiếu hụt nhiên liệu đã gây ra căng thẳng giữa Điện Kremlin và các công ty dầu mỏ của nước này.

Đỉnh điểm của sự việc là khi giá nhiên liệu ở nước này tăng vọt, đặc biệt ở các khu vực trung tâm nông nghiệp phía Nam, khiến chính phủ Nga phải cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng trong tháng này.

Không giống năm 2022, Moscow khi ấy cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên nhằm tác động tới tình hình năng lượng ở châu Âu, việc cấm xuất khẩu năng lượng lần này nhằm hạn chế những hậu quả về kinh tế xã hội ở chính nước Nga, do giá nhiên liệu trong nước tăng cao.

Một trong những nguyên nhân cho sự thiếu hụt

Theo WSJ, Kremlin và các công ty dầu mỏ của Nga - các công ty nắm giữ ngành công nghiệp quan trọng nhất của đất nước - đang gặp những mâu thuẫn về việc cân bằng lợi nhuận và sự ổn định của thị trường năng lượng nội địa.

Các công ty dầu mỏ gần đây đã nhận được khoản thanh toán trị giá hàng tỷ USD từ chính phủ trong nỗ lực khuyến khích họ bán thêm nhiên liệu trong nước. WSJ cho hay, chính phủ nước này dường như đã tránh trả khoản phí này thời gian trước, một phần do Nga đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát phi mã, đồng rúp suy yếu và tình trạng thiếu lao động. 

Các khoản thanh toán này bù đắp cho các doanh nghiệp như công ty dầu khí Rosneft khi bán sản phẩm dầu mỏ trên thị trường nội địa, do việc bán hàng trong nước thường mang lại cho doanh nghiệp lợi nhuận thấp hơn xuất khẩu.

Moscow đã chi những khoản trợ cấp khổng lồ sau khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine cho các công ty lọc dầu và khai thác dầu thô do giá năng lượng quốc tế tăng cao và đồng rúp trượt giá.

Điều này đã làm tăng lợi nhuận của Rosneft - ước tính lên gần 10% vào năm 2022. 

im-857887.jpg
Một cơ sở của Rosneft gần thị trấn Neftegorsk, Nga. Ảnh: Reuters

Theo các nhà phân tích của Citigroup, trước đại dịch, chính phủ Nga chỉ chuyển 400 triệu USD/tháng cho các công ty dầu mỏ. Sau chiến sự ở Ukraine, chính phủ đã chuyển tới 2,7 tỷ USD/tháng, tương đương 1/5 ngân sách của Bộ Năng lượng nước này.

Nga sau đó quyết định cắt giảm một nửa các khoản thanh toán cho các công ty từ tháng này. Các công ty đã phản đối quyết định này. Các nhà phân tích nói với WSJ, các công ty do đó đã xuất khẩu nhiều năng lượng ra nước ngoài hơn, đồng thời đóng cửa một số nhà máy lọc dầu để tránh phải bán hàng trong nước. Động thái này làm giảm nguồn cung cấp nhiên liệu ở Nga.

Mikhail Krutikhin, một nhà phân tích năng lượng độc lập cho biết: "Một số khu vực bắt đầu thiếu hụt nhiên liệu. Sự thiếu hụt bắt đầu ở Crimea, sau đó lan rộng khắp miền nam nước Nga."

Giá nhiên liệu ở Nga vẫn tăng dù cấm xuất khẩu

Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi chính phủ phản ứng "kịp thời hơn" trước tình trạng giá nhiên liệu tăng vào hôm 27/9 do giá xăng bán buôn tiếp tục tăng bất chấp lệnh cấm xuất khẩu.

Tổng thống Putin cho biết: "Chúng tôi sẽ tin tưởng vào thực tế là các biện pháp được đề xuất sẽ có hiệu quả," đồng thời, ông Putin cũng kêu gọi chính phủ hợp tác chặt chẽ hơn với các công ty dầu mỏ để giảm giá cho người tiêu dùng.

Sau khi giảm xuống từ mức cao kỷ lục vào tuần trước, giá xăng dầu trên thị trường Nga đã tăng trở lại vào hôm 26/9 bất chấp lệnh cấm xuất khẩu. Truyền thông địa phương đưa tin nông dân ở một số vùng không thể thu hoạch ngũ cốc do thiếu nhiên liệu cần thiết cho máy móc nông nghiệp. 

deetdiarlljqlaawv3m7iauzojft1ooi.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: kremlin.ru

Đối tác nào ảnh hưởng nhiều nhất?

Hãng tin Reuters cho hay, sau khi Liên minh châu Âu cấm nhập khẩu nhiên liệu của Nga, nước này đã chuyển hướng xuất khẩu dầu diesel và các nhiên liệu khác sang Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Bắc và Tây Phi cũng như các quốc gia ở vùng Vịnh. 

Nguồn cung dầu diesel từ các cảng của Nga đến Brazil đạt khoảng 4 triệu tấn trong năm tính đến ngày 25/9, so với 74.000 tấn trong cả năm 2022. Nhiên liệu của Nga đã thay thế việc nhập khẩu dầu diesel của Brazil từ Mỹ.

Các nguồn tin thị trường cho biết lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel kéo dài của Nga có thể buộc Brazil phải thay thế tới 400.000 tấn nhiên liệu mỗi tháng.


(0) Bình luận
WSJ: Nga thiếu nhiên liệu nghiêm trọng, lệnh cấm xuất khẩu không hiệu quả, Tổng thống Putin lên tiếng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO