Báo cáo mới đây của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy những biện pháp kích thích kinh tế mới đây tại Trung Quốc không đủ để giải quyết khó khăn và điều này sẽ ảnh hưởng lan rộng đối với các nước láng giềng trong năm tới.
Hồi kết của 30 năm
Theo World Bank, tăng trưởng nóng của Trung Quốc đã có tác động tích cực đến các nền kinh tế đang phát triển lân cận suốt nhiều năm. Tuy nhiên khi tăng trưởng của Trung Quốc giảm tốc và đối mặt khó khăn thì nền kinh tế khu vực cũng chịu ảnh hưởng.
"Trong ba thập kỷ, tăng trưởng của Trung Quốc đã lan tỏa có lợi cho các nước láng giềng, nhưng quy mô của động lực đó hiện đang giảm dần", báo cáo của World Bank nêu rõ.
Dự báo của World Bank cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại còn 4,3% vào năm tới, thấp hơn so với mức dự báo 4,8% của năm 2024.
Tương tự, mức tăng trưởng kinh tế dự báo của khu vực Đông Á Thái Bình Dương cũng sẽ giảm còn 4,4% vào năm 2025, thấp hơn so với mức 4,8% của năm nay do ảnh hưởng từ Trung Quốc.
Các chuyên gia của World Bank nhận định những nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á được hưởng lợi từ nhu cầu nhập khẩu ngày càng tăng từ Trung Quốc, đi kèm với đó là xu thế dịch chuyển sản xuất của các nhà máy từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sang những thị trường này.
Theo ước tính, World Bank cho rằng mỗi 1% tăng trưởng GDP bình quân đầu người tại Trung Quốc sẽ liên quan đến 0,13% tăng trưởng GDP bình quân đầu người ở các thị trường mới nổi trong giai đoạn 2020-2023.
Tuy nhiên, việc nhu cầu nội địa sút giảm ở Trung Quốc khiến sản lượng dư thừa sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu từ nước này tràn sang các khu vực lân cận, tạo áp lực mạnh mẽ lên nền kinh tế.
Báo cáo chỉ ra mỗi mức giảm tốc tăng trưởng 1% của Trung Quốc có thể làm giảm tới 0,21% tăng trưởng GDP ở các nền kinh tế đang phát triển lân cận.
Cứu vãn tình thế
Báo cáo của World Bank được đưa ra ngay sau khi các quan chức ở Bắc Kinh công bố một loạt biện pháp kích thích vào tháng trước, cam kết giải cứu nền kinh tế khỏi lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn và nhu cầu tiêu dùng yếu.
Các biện pháp này bao gồm hạ lãi suất, hỗ trợ thanh khoản, nới lỏng hạn chế với người mua nhà và kích thích đợt tăng giá trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên World Bank cảnh báo những tác động của các chính sách này vẫn chưa được kiểm chứng.
"Câu hỏi đặt ra là liệu các biện pháp kích thích này có thực sự bù đắp được mối lo ngại của người tiêu dùng về rủi ro giảm lương, giảm thu nhập từ bất động sản, thất nghiệp hay tình trạng lão hóa dân số hay không", chuyên gia kinh tế Aaditya Mattoo của World Bank nhận định.
*Nguồn: BI