Vượt Trung Quốc, một mặt hàng của Việt Nam đang làm trùm tại xứ kim chi: Thu gần 300 triệu USD trong nửa đầu năm, 58 quốc gia đang mạnh tay chốt đơn

Như Quỳnh | 22:35 01/08/2024

Mặt hàng này của Việt Nam đang được người Hàn Quốc cực kỳ ưa chuộng.

Vượt Trung Quốc, một mặt hàng của Việt Nam đang làm trùm tại xứ kim chi: Thu gần 300 triệu USD trong nửa đầu năm, 58 quốc gia đang mạnh tay chốt đơn
Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu mực và bạch tuộc của Việt Nam trong nửa đầu năm đã thu về hơn 289 triệu USD, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu mực không mấy khả quan khi giảm 6%, thu về 157 triệu USD.

Ngược lại, xuất khẩu bạch tuộc lại chứng kiến mức tăng 6%, thu về 132 triệu USD trong nửa đầu năm 2024.

Mực và bạch tuộc Việt Nam hiện đã được xuất sang 58 thị trường, trong đó Hàn Quốc là thị trường lớn nhất với 114 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

c1.png

Nhật Bản là thị trường lớn thứ 2 với 68 triệu USD, giảm 12%. Đứng thứ 3 là nhóm Trung Quốc và Hong Kong với 30 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại thị trường xuất khẩu mực và bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, số liệu của kita.org cho thấy, Việt Nam là nguồn cung bạch tuộc đông lạnh lớn nhất cho Hàn Quốc, chiếm 43% thị phần, theo sau là Trung Quốc ở vị trí thứ 2 chiếm 41% thị phần.

Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh, bạch tuộc cắt khúc ướp đá, bạch tuộc chế biến đông lạnh, mực khô lột da, mực chế biến làm sạch đông lạnh, mực sushi đông lạnh, mực nang phile làm sạch đông lạnh, mực nang nguyên con làm sạch đông lạnh, mực cắt trái thông đông lạnh, mực nút đông lạnh...

Đối với Nhật Bản, quốc gia này ưa chuộng mặt hàng mực và bạch tuộc từ Việt Nam do sản lượng khai thác nội địa ngày càng giảm trong khi nhu cầu lại tăng, nhất là đối với các sản phẩm mực, bạch tuộc ăn liền, tiện lợi với lối sống hiện đại, bận rộn, ít thời gian nấu nướng.

Dự kiến xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Hàn Quốc - thị trường xuất khẩu lớn nhất sẽ tiếp tục tăng trưởng dương trong thời gian tới khi lệnh cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản vào Trung Quốc vẫn chưa được dỡ bỏ.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu trong năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, 2024 sẽ tiếp tục là năm nhiều diễn biến bất thường, nguồn lợi hải sản suy giảm. Tình hình an ninh trật tự trên biển diễn biễn phức tạp, khó lường, các nước trong khu vực tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác trên biển, ngư trường khai thác hải sản của ngư dân ta bị thu hẹp đáng kể.

Trước bối cảnh trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, ngành thủy sản cần tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng là gỡ thẻ vàng IUU, các địa phương thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát đội tàu.

Doanh nghiệp tập trung đa dạng hóa thị trường, đa dạng hoá sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiệp hội ngành hàng tăng cường tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; thường xuyên cập nhật thông tin, nhu cầu thị trường để nông dân, ngư dân tổ chức sản xuất, khai thác hợp lý, hiệu quả.

Nhiều doanh nhân trong ngành thủy sản nhận định rằng, thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ ổn định hơn trong quý 3 và quý 4 nhờ nhu cầu tiêu dùng mùa lễ, tết. VASEP cũng dự báo, tăng trưởng xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm 2024 sẽ cao hơn cùng kỳ khoảng 15%, đạt trên 5,5 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu thủy sản cả năm 2024 dự kiến cán đích 10 tỷ USD.


(0) Bình luận
Vượt Trung Quốc, một mặt hàng của Việt Nam đang làm trùm tại xứ kim chi: Thu gần 300 triệu USD trong nửa đầu năm, 58 quốc gia đang mạnh tay chốt đơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO