“Vượt mặt” Mỹ và Trung Quốc, thị trường chứng khoán từng bị “lãng quên” nay lên như diều gặp gió nhờ động lực đặc biệt

Anh Dũng | 09:01 22/05/2023

Quốc gia này đang trở thành một thị trường lý tưởng, trong bối cảnh Mỹ lo lắng về trần nợ và nguy cơ suy thoái kinh tế, còn Trung Quốc thì có sự phục hồi chưa đồng đều.

“Vượt mặt” Mỹ và Trung Quốc, thị trường chứng khoán từng bị “lãng quên” nay lên như diều gặp gió nhờ động lực đặc biệt

Một số nhà đầu tư nổi tiếng thế giới và các ngân hàng lớn nhất Phố Wall đồng tình với nhau rằng thị trường chứng khoán Nhật Bản đang là nơi hấp dẫn. Trong khi đó, các thị trường lớn hơn như Mỹ và Trung Quốc phải vật lộn với những cơn gió ngược lớn dần trong nền kinh tế.

Man GLG, JPMorgan Asset Management và Morgan Stanley đã nhận thấy xu hướng thăng hoa của thị trường này, sau khi Chỉ số Topix của Nhật Bản đạt mức cao nhất kể từ năm 1990 đến nay.

Lạm phát tăng vừa phải, lợi nhuận các cổ đông được cải thiện và quyết định của huyền thoại đầu tư Warren Buffett đã kết hợp với nhau làm tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán lớn thứ ba thế giới.

Giám đốc đầu tư Jack Ablin của công ty tư vấn Cresset Capital Management quản lý khoảng 60 tỷ USD cho biết: “Nhật Bản đang có mọi thứ họ muốn. Chúng tôi đang cân nhắc đầu tư khoảng 50% cổ phiếu Nhật Bản trong chiến lược tại các thị trường phát triển của mình”.

Nhật Bản đang trở thành một thị trường lý tưởng, trong bối cảnh Mỹ lo lắng về trần nợ và nguy cơ suy thoái kinh tế. Trung Quốc thì có sự phục hồi chưa đồng đều và thị trường mờ nhạt khiến các nhà đầu tư quốc tế thất vọng. Sau mức mua kỷ lục 2,2 nghìn tỷ yên (15,9 tỷ USD) trong tháng 4, các quỹ nước ngoài tháng này tiếp tục tăng cường mua vào cổ phiếu Nhật Bản.

Chốt phiên thứ Sáu tuần trước (19/5), Chỉ số Topix ở mức 2.161 điểm, tăng 3,8% trong tháng 5. Chỉ số Nikkei 225 đã tăng hơn 5%, kết phiên ở mức cao nhất trong vòng gần 33 năm qua. Trong khi đó, Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc giảm khoảng 3,5%, còn S&P 500 tăng chưa nổi 1%.

Jeffrey Atherton, người đứng đầu bộ phận chứng khoán Nhật Bản tại Man GLG, nhìn thấy tiềm năng tăng từ 10-15% cho thị trường. Man GLG là một trong những bộ phận đầu tư của Man Group Plc, quỹ phòng hộ giao dịch công khai lớn nhất thế giới.

“Chúng tôi dự đoán lãi suất của Nhật Bản sẽ duy trì ở mức rất thấp so với tiêu chuẩn toàn cầu. Vì vậy, chính sách tiền tệ sẽ hỗ trợ tài sản rủi ro sẽ không giống như các quốc gia khác trên thế giới”, ông nói thêm.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, kể từ ngày 5/1, giá trị thị trường của Nhật Bản đã tăng khoảng 518 tỷ USD. Theo dữ liệu của EPFR, các quỹ đầu tư Nhật Bản đã thu hút được 800 triệu USD trong tuần kết thúc vào ngày 10/5. Trong khi đó, các quỹ ở Mỹ và châu Âu ghi nhận dòng tiền chảy ngược ra ngoài.

japanstock.jpg

Sau nhiều năm Nhật Bản duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng, lạm phát cuối cùng cũng tăng. Giá tiêu dùng, không bao gồm thực phẩm tươi sống, đã tăng khoảng 3,4% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy Nhật Bản đã kiềm chế lạm phát một cách vững chắc mà không phải tăng lãi suất quá lớn như ở Mỹ. Mặt khác, Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ giảm phát.

Ngồi trên đống tiền mặt lâu nay, các công ty Nhật Bản cũng đang phải giải quyết nhu cầu cải thiện lợi nhuận của các cổ đông. Hoạt động mua lại cổ phần đạt kỷ lục trong năm tài chính 2022.

Huyền thoại đầu tư Warren Buffett cũng giúp thúc đẩy tâm lý lạc quan đối với thị trường chứng khoán Nhật Bản. Ông đã rót hàng tỷ USD vào một số tập đoàn hàng đầu nước này.

Mặc dù tâm lý lạc quan đang chiếm ưu thế, thị trường vẫn có thể giảm trong thời gian tới. Các chỉ báo kỹ thuật cho thấy các chỉ số đang trong vùng quá mua. Tiền lương thực tế đang giảm ngay cả khi lạm phát tăng. Sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến một số nhà xuất khẩu của Nhật Bản vốn phụ thuộc vào thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Các nhà phân tích kỳ vọng nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng khoảng 1% trong năm nay, trên mức trung bình 10 năm. Mỹ và Trung Quốc lần lượt tăng trưởng ở mức 1,1% và 5,7%.

Các chiến lược gia của JPMorgan đánh giá rằng nền kinh tế Nhật Bản đang thoát khỏi giảm phát và chuyển sang nền kinh tế lạm phát vừa phải. Đây là một trong những thay đổi đặc biệt ở Nhật. Đà phục hồi này sẽ duy trì bền vững vì những yếu tố này không phải là tạm thời.

Tham khảo: Bloomberg

Bài liên quan

(0) Bình luận
“Vượt mặt” Mỹ và Trung Quốc, thị trường chứng khoán từng bị “lãng quên” nay lên như diều gặp gió nhờ động lực đặc biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO