Vừa phá kỷ lục, một mặt hàng tỷ USD của VN chinh phục hơn 80 nước đang “gặp khó”: Thủ tướng chỉ đạo gì?

Minh Hằng | 16:28 28/07/2025

Mặt hàng này của Việt Nam dự kiến có thể cán mốc 7 tỷ USD về kim ngạch xuất khẩu.

Vừa phá kỷ lục, một mặt hàng tỷ USD của VN chinh phục hơn 80 nước đang “gặp khó”: Thủ tướng chỉ đạo gì?
Kim ngạch xuất khẩu cà phê nửa đầu năm 2025 đạt mức kỷ lục là 5,5 tỷ USD. Ảnh: TTXVN

Đó là cà phê.

Văn phòng Chính phủ mới đây có Văn bản số 6885/VPCP-NN ngày 23/7/2025 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thông tin báo chí phản ánh đẩy mạnh chế biến sâu cà phê Việt Nam và xuất khẩu cá ngừ sang Đức gặp khó do thiếu nguyên liệu đầu vào.

Trước đó, Cổng TTĐT Chính phủ cũng đã có báo cáo về thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành. Trong đó có nội dung về đẩy mạnh chế biến sâu cà phê Việt Nam và xuất khẩu cá ngừ sang Đức gặp khó vì thiếu nguyên liệu đầu vào.

Theo phản ánh trên, kim ngạch xuất khẩu cà phê nửa đầu năm 2025 đạt mức kỷ lục (5,5 tỷ USD), với sự gia tăng xuất khẩu cà phê Arabica và cà phê chế biến. Con số này cho thấy xu hướng đầu tư vào công nghệ và giá trị gia tăng. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này cả năm nay có thể cán mốc 7 tỷ USD, từ đó khẳng định vị thế cà phê Việt trên thị trường toàn cầu.

Thế nhưng, cà phê Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, chẳng hạn như thuế nhập khẩu 20% từ Mỹ và các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ EU (EUDR) đòi hỏi ngành phải chuyển mình mạnh mẽ. Cụ thể, phát triển vùng trồng chất lượng cao, đẩy mạnh chế biến sâu, chuẩn hóa truy xuất nguồn gốc và chứng chỉ bền vững.

Trước thực tế này, các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp cần tập trung vào sản phẩm đặc trưng như cà phê đặc sản, cà phê có chứng nhận và thân thiện môi trường nhằm khai thác hiệu quả thị trường EU. Ngoài ra, cần xây dựng chiến lược dài hạn phát triển thương hiệu quốc gia cũng như bảo hộ chỉ dẫn địa lý như "Cà phê Buôn Ma Thuột".

Đồng thời, các doanh nghiệp cần thiết kế lại các chương trình xúc tiến thương mại theo hướng kể câu chuyện văn hóa cà phê phin, vùng nguyên liệu và sự bền vững trong sản xuất. Theo các chuyên gia, đây chính là nền tảng để cà phê Việt vươn tầm quốc tế một cách bền vững và có trách nhiệm.

Về vấn đề trên, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu thông tin của Cổng TTĐT Chính phủ, triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Công điện số 59/CĐ-TTg ngày 8/5/2025, chủ động đề xuất các giải pháp theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao. Trong đó, tập trung khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, phát triển chuỗi liên kết theo mô hình bền vững, tăng cường kiểm soát và truy xuất nguồn gốc để giữ vững uy tín và nâng cao giá trị gia tăng của nông sản và thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ngành cà phê gửi kiến nghị lên Thủ tướng

ca-phe-viet-.jpg
Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam vừa lập kỷ lục chỉ trong nửa đầu năm 2025. Ảnh minh họa

Theo đó, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tài chính đề nghị về việc đưa sản phẩm cà phê nhân sống xuất khẩu vào danh mục đối tượng không chịu thuế GTGT.

Theo quy định mới tại Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), cà phê nhân sẽ bị áp thuế VAT 5%. Tuy nhiên, VICOFA cho rằng điều này đang gây rất nhiều áp lực vốn cũng như thủ tục cho doanh nghiệp. Vì vậy, VICOFA kiến nghị Thủ tướng xem xét loại cà phê nhân xuất khẩu ra khỏi danh mục chịu thuế VAT nhằm giảm tác động tới vốn lưu động, cải thiện năng lực cạnh tranh.

VICOFA cho biết, hiện nay, có trên 85% tổng sản lượng cà phê nhân Việt Nam hàng năm được xuất khẩu. Trong khi đó, lượng cà phê phục vụ tiêu dùng nội địa chỉ chiếm khoảng dưới 15%. Vì vậy, hầu như lượng cà phê nhân đóng thuế GTGT đều được hoàn thuế. Nhưng GTGT 5% sau đó lại thực hiện hoàn thuế sẽ phát sinh thêm nhiều nhân sự của cơ quan thuế phải phục vụ cho việc hoàn thuế. Chưa hết, doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ phải chịu áp lực về tài chính, chi phí khi phải tạm đóng thuế trước cũng như hoàn lại sau cùng với nhiều thủ tục phức tạp và kéo dài.

Trước năm 2013, cà phê nhân là mặt hàng từng chịu VAT 5% theo Luật thuế giá trị gia tăng 2008. Nhưng do bị lợi dụng hoàn thuế và gây khó cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, nên mặt hàng này đã được loại khỏi danh mục chịu thuế GTGT từ năm 2013.

Tuy nhiên, với luật mới có hiệu lực từ ngày 1/7, cà phê nhân lại bị đưa trở lại danh sách chịu thuế GTGT 5%.

Cà phê Việt Nam hiện đang được xuất khẩu tới hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam cũng là một trong những nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, đặc biệt là cà phê Robusta.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cà phê của nước ta đạt 5,5 tỷ USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (với mức 2,7 tỷ USD), thậm chí vượt xa con số 5,4 tỷ USD của cả năm 2024. Đây cũng chính là lần đầu tiên ngành cà phê đạt của Việt Nam được mức này trong nửa đầu năm và hoàn thành sớm được mục tiêu cả năm nay.


(0) Bình luận
Vừa phá kỷ lục, một mặt hàng tỷ USD của VN chinh phục hơn 80 nước đang “gặp khó”: Thủ tướng chỉ đạo gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO