'Vua đạo nhái' Trung Quốc: Copy mô hình 3 startup của Mỹ để khởi nghiệp đều thành công, đường đường trở thành tỷ phú đôla mặc người đời chê ‘lười biếng’

Vũ Anh | 00:08 18/02/2023

“khẳng định 'sáng tạo không quan trọng, quan trọng là sao chép thông minh“.

'Vua đạo nhái' Trung Quốc: Copy mô hình 3 startup của Mỹ để khởi nghiệp đều thành công, đường đường trở thành tỷ phú đôla mặc người đời chê ‘lười biếng’

Wang Xing là nhà sáng lập ứng dụng giao đồ ăn Meituan của Trung Quốc. Anh tạo dựng thành công tới 3 startup hoạt động trong 3 lĩnh vực khác nhau trước khi nó trở nên thịnh hành, chỉ nhờ bắt chước mô hình của công ty Mỹ. Trong bài phỏng vấn hồi năm 2022 với tờ Caijing, Xang cho biết anh không hối tiếc bất kỳ điều gì, ‘quan trọng là sao chép thông minh’. 

Năm 2003, nhìn thấy trước sự phát triển của mạng xã hội tại Mỹ, Xing ngay lập tức cho rằng Trung Quốc cũng cần có một thứ tương tự như vậy. Nỗ lực đầu tiên của anh là sản phẩm nhái theo Friendster, song sớm ‘chết yểu’.

Tuy nhiên, Xiaonei - website tiếp theo được thành lập vào năm 2005 lại thành công vang dội. Có lẽ không phải tình cờ, nhưng Xiaonei được nhận xét là “giống hệt” mạng xã hội Facebook. Thời điểm đó, thị trường mạng xã hội đại lục chỉ có 2 đối thủ cạnh tranh duy nhất kể trên. 

Rất nhanh chóng, Xiaonei trở thành mạng xã hội mặc định tại Trung Quốc. Tuy nhiên đáng tiếc, Wang Xing cuối cùng lại buộc phải bán “đứa con tinh thần” bởi không có đủ tiềm lực tài chính duy trì hoạt động kinh doanh và đáp ứng nhu cầu người dùng. Cuối cùng, Xiaonei được đổi tên thành Renren và hiện vẫn là một trong những công ty Internet có tiếng tại Trung Quốc.

Công ty tiếp theo của Xing cung cấp dịch vụ blog có tên Fanfou được nhận xét là “na ná” Twitter. Logo của Fanfou cũng là hình một đứa bé trên nền màu xanh, giống với chú chim nổi tiếng của nền tảng mạng xã hội Mỹ. Cũng rất nhanh chóng, Fanfou trở thành một trong những trang blog lớn đầu tiên của Trung Quốc.

1x-1.jpeg
'Vua đạo nhái' Trung Quốc: Copy mô hình 3 startup của Mỹ, khẳng định 'sáng tạo không quan trọng, quan trọng là sao chép thông minh'

Tuy nhiên, một lần nữa, vì không có sự chuẩn bị cần thiết, Xing buộc phải đóng băng Fanfou theo quy định của chính phủ. Nó sau đó được cấp phép hoạt động trở lại nhưng lúc này, những trang blog nổi tiếng như Sina hay Weibo đã hoạt động rộng khắp và chiếm lĩnh thị trường.

Chính vì vậy, Wang Xing tiếp tục tìm kiếm và sao chép một dịch vụ khác. Meituan theo đó ra đời để “ăn theo” sự thành công của Groupon. 

Mãi đến mảng kinh doanh này, Wang Xing mới thực sự “trúng số độc đắc”. Meituan trở thành công ty giao đồ ăn nổi tiếng sau thời gian dài mở rộng quy mô, thậm chí được so sánh với Uber Eat ở Mỹ. Đây hiện là một trong những công ty khởi nghiệp huy động được vốn nhiều nhất tại Trung Quốc kiêm đơn vị dẫn đầu thị trường giao đồ ăn.

Tuy nhiên, mô hình kinh doanh của Xing không hoàn toàn được đánh giá cao trong giới công nghệ cao Trung Quốc. Theo CEO Qihoo 360 Zhou Hongyi, Wang Xing chỉ là doanh nhân lười biếng và giỏi sao chép.

Dẫu vậy, Wang Xing không bận tâm đến những lời chỉ trích trên. “Tôi thừa nhận cải tiến đột phá là yếu tố rất cần thiết, tuy nhiên đưa ra một chọn lựa đúng đắn còn quan trọng hơn”. 

Nhờ chú trọng IT với mục đích cung cấp những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, Xing thành công trong việc đưa công ty trở thành đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực mua chung và sau đó là giao đồ ăn. Thời kỳ đỉnh cao, đã có tới hơn 5.000 công ty khởi nghiệp cố gắng cạnh tranh với Meituan. Hướng tiếp cận này cũng giúp Xing vượt qua thời kỳ khó khăn khi hàng ngàn startup phải đóng cửa.

1200x-1(1).jpeg
Wang Xing là nhà sáng lập ứng dụng giao đồ ăn Meituan của Trung Quốc.

Có thể cách tiếp cận của Xing không được hoan nghênh, song sáng tạo không phải lúc nào cũng là yếu tố tạo nên thành công. Biết cách và thời điểm nên sao chép mới là yếu tố quan trọng. Thực tế, Wang Xing đã nhiều lần chứng minh rằng anh ấy có kỹ năng sao chép tốt hơn hầu hết những người khác trong giới kinh doanh.

“Hãy cứ coi thường nếu bạn muốn như vậy. Tôi chẳng quan tâm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao lại phải coi thường tôi - người đã tạo ra hàng loạt công ty khởi nghiệp thành công tại Trung Quốc và cung cấp cho khách hàng một website mua chung thú vị hơn bất kỳ công ty nào khác?”, Xing tự tin. Hiện Xing đang sở hữu khối tài sản hơn 8 tỷ USD theo thống kê của Forbes.

Mới đây nhất, Meituan thông báo sẽ tuyển khoảng 10.000 nhân viên mới trong quý I năm nay. Kế hoạch tuyển dụng này diễn ra khi ngành tiêu dùng Trung Quốc tiếp tục phục hồi sau khi chính phủ mở cửa nền kinh tế. Đợt tuyển dụng rầm rộ trái ngược hoàn toàn với tình hình của những gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon, chẳng hạn như Microsoft hay Alphabet - các tập đoàn vốn đã sa thải hàng nghìn nhân sự trong thời gian gần đây.

Theo các chuyên gia, động thái của Meituan có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đang cân nhắc mở rộng một lần nữa. Trước đó, Meituan đã được hưởng lợi từ chính sách phong tỏa của Bắc Kinh, khi người dân chuyển sang các dịch vụ giao nhận đồ ăn trong thời gian phải ở yên trong nhà.

Hiện Meituan đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn trên sân nhà, từ đối thủ lâu năm là Ele.me đến nền tảng video ngắn Douyin của ByteDance. Từ tháng 12 năm ngoái, Douyin đã thử nghiệm dịch vụ giao đồ ăn và cân nhắc mở rộng.

Ngoài Wang Xing, tập đoàn Tencent cũng nổi tiếng là “vua đạo nhái” tại Trung Quốc. Nguyên nhân là bởi sản phẩm đầu tiên của công ty “nhái” lại một dịch vụ tin nhắn của Israel và sau đó trở nên phù hợp với thị trường Trung Quốc. Nhiều doanh nhân sợ hãi và tỏ ra khó chịu với Tencent bởi bất kỳ khi nào họ sáng tạo ra được một sản phẩm, dịch vụ nào đó, nhiều khả năng Tencent sẽ ngay lập tức copy lại. 

Theo: Tech in Asia, CNBC

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
'Vua đạo nhái' Trung Quốc: Copy mô hình 3 startup của Mỹ để khởi nghiệp đều thành công, đường đường trở thành tỷ phú đôla mặc người đời chê ‘lười biếng’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO