Ông P.H.A. là nhân vật chính trong câu chuyện gây xôn xao những ngày gần đây, liên quan tới thông báo nhắc nợ của Eximbank với số tiền hơn 8,8 tỷ đồng, bao gồm nợ gốc và nợ lãi sau thời gian gần 11 năm.
Trao đổi với báo chí, ông A. cho biết vào tháng 3 năm 2013, ông nhờ mở thẻ tín dụng thông qua một nhân viên tên G., làm việc lại chi nhánh Eximbank ở Quảng Ninh.
Ông A. cho biết, thời điểm làm hồ sơ mở thẻ, ông được nhân viên ngân hàng yêu cầu ký tên vào đơn mở thẻ tín dụng và biên nhận thẻ trước rồi nhận kết quả sau. Tuy nhiên theo vị khách hàng, thực tế sau đó ông không nhận được thẻ tín dụng này, mà chỉ được nhân viên bàn giao thẻ ATM nội địa kèm thông báo "không đủ điều kiện làm thẻ tín dụng". Trả lời báo chí, ông A. khẳng định không nhận, không kích hoạt và chi tiêu thẻ tín dụng theo thông báo nhắc nợ của Eximbank.
Đến năm 2017, do phát sinh nhu cầu vay vốn tại một ngân hàng khác mới tá hỏa khi được thông báo có giao dịch thẻ tín dụng từ năm 2013 với tổng gốc lãi hơn 100 triệu đồng. Sau đó, ông chủ động đến chi nhánh Eximbank Quảng Ninh để xác minh. Tại đây ông được ban giám đốc chi nhánh ngân hàng thông báo trách nhiệm về việc thanh toán nợ quá hạn do đã ký nhận thẻ.
Nhưng khi ông A. đặt câu hỏi về việc khi phát sinh lãi và nợ lãi lại không thông báo cho khách hàng cũng như có một số bất thường trong hồ sơ mở thẻ thì ngân hàng "không trả lời được".
Đáng nói, ông A. chỉ ra "điểm bất thường" trong hợp đồng mở thẻ với ngân hàng là xuất hiện một số điện thoại thứ 2 không phải của ông. Trong khi số "chính chủ" lại không hề nhận được bất cứ liên lạc nào từ ngân hàng.
Ông A. chia sẻ thêm, khi ông đặt câu hỏi về việc tại sao ngân hàng không gửi thông báo về địa chỉ nhà được ghi trong hồ sơ thì câu trả lời phía ngân hàng cũng chưa thuyết phục bởi không chứng minh được đã gửi theo hình thức nào.
Về phía Eximbank, ngân hàng cho biết, cách tính lãi, phí này hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa họ và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ có đầy đủ chữ ký ngày 15/3/2013. Theo ngân hàng, khách hàng mở thẻ tín dụng tại Quảng Ninh vào tháng 3/2013 với hạn mức 10 triệu đồng. Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ thẻ chuyển thành nợ xấu, thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo là gần 11 năm.
Phía ngân hàng cho rằng trong gần 11 năm qua, đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp tuy nhiên "khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ". Tháng 9/2013, ngân hàng đã thông báo bằng văn bản đến khách hàng về việc vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Ngày 12/12/2017, ngân hàng nhận đơn khiếu nại từ ông Phạm Huy Anh rằng không nhận được thông báo trên. Cuối 2017, ngân hàng cũng đã có văn bản phúc đáp khách hàng, đồng thời đề nghị thanh toán khoản tiền.
Về thắc mắc liên quan vấn đề liên hệ với khách hàng, Eximbank chưa có phản hồi nhưng cho biết đang tiếp tục làm việc, phối hợp với khách hàng để có phương án hỗ trợ xử lý nợ.