Vinhomes (VHM) vừa khép lại phiên 23/10 cũng là ngày đầu tiên trong quá trình mua lại cổ phiếu quỹ kéo dài 30 ngày. Giao dịch rất sôi động với khối lượng khớp lệnh hơn 33,3 triệu đơn vị, cao thứ 2 lịch sử, chỉ sau phiên 7/8. Giá trị khớp lệnh tương ứng đạt gần 1.600 tỷ đồng, cao nhất toàn sàn.
Ngoài ra, cổ phiếu VHM còn xuất hiện 2 giao dịch thoả thuận với tổng khối lượng hơn 4,1 triệu đơn vị đều tại mức giá tham chiếu (48.250 đồng/cp). Tổng giá trị thoả thuận xấp xỉ 200 tỷ đồng. Đáng chú ý, khối ngoại đã quay đầu bán ròng trên cổ phiếu này với khối lượng hơn 1,8 triệu đơn vị, giá trị bán ròng khoảng 87 tỷ đồng.
Cổ phiếu VHM đóng cửa phiên 23/10 giảm 2,6% về mức 47.000 đồng/cp. Vốn hóa thị trường cũng theo đó giảm xuống dưới 205.000 tỷ đồng. Con số này vẫn đủ để Vinhomes đứng thứ 3 trong danh sách doanh nghiệp niêm yết giá trị nhất Việt Nam. Trước đó, cổ phiếu này đã có nhịp tăng gần 40% từ đáy lịch sử hồi đầu tháng 8 để leo lên vùng giá cao nhất 1 năm ngay trước khi thực hiện thương vụ mua cổ phiếu quỹ.
Theo kế hoạch, Vinhomes sẽ mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 8,5% tổng khối lượng lưu hành. Giao dịch sẽ được thực hiện thông qua phương thức khớp lệnh và/hoặc thoả thuận từ ngày 23/10 đến ngày 21/11. Theo quy định, mỗi ngày Vinhomes sẽ đặt mua tối thiểu 11,1 triệu cổ phiếu và tối đa 37 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian diễn ra giao dịch.
Mục đích mua lại Vinhomes đưa ra là do thị giá cổ phiếu VHM đang ở mức thấp hơn so với giá trị thực của công ty nên việc mua lại cổ phiếu để đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông. Nguồn vốn thực hiện mua lại từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024.
Ước tính số tiền Vinhomes có thể phải chi ra cho thương vụ này lên đến hơn 17.000 tỷ. Phía công ty khẳng định rằng kế hoạch mua lại cổ phiếu sẽ được tài trợ bằng lượng tiền mặt có sẵn và dòng tiền hoạt động, nhờ vào doanh thu từ việc bán một số dự án. Do đó, việc mua cổ phiếu quỹ sẽ chỉ có tác động hạn chế đến các chỉ tiêu về thanh khoản và nợ vay của công ty.