Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) thông báo sẽ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 30/1/2023 tại Hội trường tầng 19, tòa nhà Vietcombank Tower, 198 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự Đại hội cổ đông bất thường là 30/12/2022.
Cuộc họp nhằm thông qua các tờ trình bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2018 – 2023; tờ trình về việc kéo dài thời gian thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu VCB; và một số tờ trình khác (nếu có).
Trước đó, Vietcombank đã thông báo miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Phạm Anh Tuấn từ ngày 1/12/2022. Lý do miễn nhiệm là vì ông Phạm Anh Tuấn được Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Thanh toán.
Về kế hoạch tăng vốn, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 được tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, Vietcombank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 và 2020.
Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 181 cổ phiếu mới).
Đối tượng phát hành là các cổ đông có tên trong danh sách cổ đông của Vietcombank tại thời điểm chốt quyền được xác định theo thông báo về ngày chốt quyền của ngân hàng đối với đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019
Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng, từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, ngân hàng vẫn chưa công bố thêm thông tin về tiến độ thực hiện tăng vốn theo kế hoạch này.
Vietcombank cho biết, việc tăng vốn điều lệ cũng sẽ tạo điều kiện để ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và đầu tư cho các dự án chuyển đổi để nâng cao năng lực quản trị và hoạt động của ngân hàng.
Về hoạt động kinh doanh của Vietcombank, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 24.939 tỷ đồng, tăng 29% so với 9 tháng đầu năm 2021. Với kết quả trên, Vietcombank giữ vững ngôi “quán quân” lợi nhuận hệ thống ngân hàng.
Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản Vietcombank đạt gần 1,65 triệu tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 1,13 triệu tỷ đồng, tăng 17,6% so với đầu năm và tăng 2,66% so với cuối tháng 6/2022.
Tiền gửi khách hàng tại Vietcombank tăng 5,4% trong 9 tháng lên gần 1,2 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi vốn chuyên dùng và tiền gửi ký quỹ đạt 417,8 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 12.700 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giảm từ 35,7% xuống 34,9%.
Số dư nợ xấu của Vietcombank cuối tháng 9/2022 là 9.003 tỷ đồng, tăng 47% so với cuối năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,64% lên 0,8%. Ngân hàng vẫn tiếp tục nằm trong top những nhà băng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống.
Ngoài ra, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của Vietcombank đạt 402%, cao nhất trong các ngân hàng thương mại. Mặc dù tỷ lệ này đã giảm so với mức 506% (tháng 6/2022) và 421% (tháng 12/2021).