VietABank và Indovinabank có tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn vượt ngưỡng 30%

Mạnh Đại | 09:26 24/11/2023

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, vào thời điểm cuối năm 2022 ngân hàng VietAbank (33%) và Indovinabank (31,1%) có tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn khá cao, sát ngưỡng cho phép, tiềm ẩn rủi ro việc mất cân bằng kỳ hạn và rủi ro thanh khoản.

VietABank và Indovinabank có tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn vượt ngưỡng 30%
VietABank, Indovinabank có tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn vượt ngưỡng 30%, tiềm ẩn rủi ro việc mất cân bằng kỳ hạn và rủi ro thanh khoản.

Đây là báo cáo của Kiểm toán Nhà Nước trong Báo cáo số 1247/BC-KTNN Tổng hợp kết quả Kiểm toán tổ chức thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội vừa gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hộ và các đại biểu Quốc hội.

Trong nội dung báo cáo về chính sách tiền tệ năm 2022 gắn với nhiệm vụ, chức năng của NHNN, Kiểm toán Nhà nước cho hay, tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhiều thời điểm còn căng thẳng.

Một số tổ chức tín dụng thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hoặc phải cho vay hỗ trợ thanh khoản, cho vay đặc biệt với khối lượng tiền lớn.

Về tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn toàn hệ thống đến 31/12/2022 là 25,6% không vượt ngưỡng cho phép.

Tuy nhiên, tỷ lệ này đang có xu hướng tăng, cụ thể: khối ngân hàng thương mại cổ phần năm 2022 đạt 30,7% (năm 2021 là 26,3%); khối tổ chức tín dụng phi ngân hàng tăng từ 37,0% năm 2021 lên 42% năm 2022.

Tại 31/12/2022, có 05 NHTM yếu kém gồm Ocean bank, GPBank, CBbank, DongABank, SCB vượt ngưỡng 34% - chưa đáp ứng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn.

Ngoài ra, một số NHTM có tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn khá cao, sát ngưỡng cho phép, tiềm ẩn rủi ro việc mất cân bằng kỳ hạn và rủi ro thanh khoản với tổ chức tín dụng như: Ngân hàng TMCP Việt Á - VietAbank (33%); Ngân hàng TNHH Indovina - Indovinabank (31,1%).

Theo đúng lộ trình được quy định trong Thông tư 08/2020/TT-NHNN, đến ngày 1/10/2023, các ngân hàng sẽ phải giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 30% thay vì 34% như trước đó.

Cũng theo báo cáo, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, phương án xử lý 3 tổ chức tín dụng yếu kém (OceanBank, GPBank, CBBank) còn chậm, kéo dài qua nhiều năm phát sinh (từ năm 2015 đến nay).

Việc kéo dài tiến độ xử lý dẫn đến nguồn lực dự kiến hỗ trợ thông qua các hình thức cho vay đặc biệt tăng do hoạt động kinh doanh của các ngân hàng này lỗ liên tục.

Đến thời điểm kiểm toán (tháng 8/2023): Việc xử lý 03 Ngân hàng mua bắt buộc mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc, đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển giao bắt buộc.

Một ngân hàng mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc. Tình hình tài chính của các ngân hàng vẫn rất khó khăn, cụ thể: nợ xấu và tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế tiếp tục có xu hướng gia tăng, không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Một số NHTM tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị NHNN phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chuyển giao bắt buộc đối với 3 ngân hàng mua bắt buộc là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank).

Đối với Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), do vốn chủ sở hữu của ngân hàng bị âm nên theo quy định, NHNN phải chuyển giao bắt buộc DongABank cho ngân hàng khác.

Về kết quả kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm 2023: Ngân hàng VietABank báo lãi 484 tỷ đồng, giảm 25,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,53% hồi đầu năm lên 1,69% vào thời điểm cuối tháng 9/2023; Ngân hàng Indovinabank chưa công bố kết quả kinh doanh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
VietABank và Indovinabank có tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn vượt ngưỡng 30%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO