Điện hạt nhân đang là lĩnh vực "hot", được nhiều quốc gia theo đuổi và đầu tư lớn. Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc khi chuẩn bị tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Chiều 30/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp 8. Trong đó, đồng ý về việc tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Chính phủ được giao bố trí về nguồn lực thực hiện việc khởi động lại dự án này theo kết luận của cấp có thẩm quyền.
Với quyết định này, như vậy, sau 8 năm tạm dừng, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được khởi động lại. Trước đó, địa điểm quy hoạch xây dựng những nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 đã trải qua quá trình nghiên cứu lâu dài cũng như lựa chọn kỹ lưỡng và đáp ứng được những tiêu chí khắt khe của quốc tế để tiến hành xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.
Điện hạt nhân thường có quy mô lớn và phát thải ít CO2 hơn so với than đá tới 70 lần, khí đốt 40 lần và điện mặt trời 4 lần. Ngoài ra, điện hạt nhân còn ít phát thải Co2 hơn thủy điện 2 lần và bằng với điện gió.
Nhằm mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng cũng như đạt mục tiêu về giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050, nhiều nước trên thế giới hiện nay như Trung Quốc, Nga… đang đẩy mạnh phát triển về điện hạt nhân.
Liên quan đến tổng mức đầu tư của dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 diễn ra chiều 7/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, việc xác định tổng mức đầu tư phụ thuộc nhiều yếu tố và con số báo cáo sơ bộ dự kiến là hàng tỷ USD; mức đầu tư cũng còn tùy thuộc vào quy mô, yêu cầu công nghệ…
Nga sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong phát triển điện hạt nhân
Theo đó, vào sáng 26/12, tại cuộc họp báo về kết quả phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga trong năm 2024, ông Gennady Bezdetko, Đại sứ Nga tại Việt Nam chia sẻ, ngành hạt nhân của Nga là một trong những lĩnh vực phát triển, đồng thời được đánh giá cao trên toàn thế giới. Nga hiện cũng đang dẫn đầu thế giới về số lượng cơ sở hạt nhân. Đại sứ khẳng định rằng, Nga luôn sẵn sàng để hợp tác với Việt Nam trong phát triển công nghệ hạt nhân, đặc biệt là năng lượng hạt nhân.
Ngoài ra, Đại sứ Gennady Bezdetko cũng nhắc tới việc Nga và Việt Nam từng hợp tác phát triển dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Nhưng đến năm 2016, theo phía Việt Nam, dự án này đã tạm dừng.
Đại sứ khẳng định rằng, Nga có đầy đủ điều kiện khoa học, kỹ thuật cũng như công nghệ và tài chính. Trên thực tế, trong những năm qua, có khoảng 300 nhân lực Việt Nam đã sang Nga học về lĩnh vực điện hạt nhân.
Đại sứ Nga tại Việt Nam nhấn mạnh, sắp tới, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm triển khai được dự án này cũng như đảm bảo được an toàn hạt nhân.
"Tất cả những điều kiện cần và đủ, chúng tôi đều có. Nga luôn sẵn sàng hợp tác cùng Việt Nam trong dự án vô cùng quan trọng này", Đại sứ Gennady Bezdetko khẳng định tại họp báo.
Đặc biệt, trong trường hợp Việt Nam có quyết định mang tính chất kêu gọi hay tạo điều kiện hợp tác thì Nga sẵn lòng đón nhận đề nghị. Đại sứ thông tin thêm, vừa qua, các cơ quan đại diện Nga đã tổ chức những cuộc gặp với đại diện bộ, ban, ngành Việt Nam, như Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ. Đại sứ khẳng định, Nga sẵn sàng và chờ quyết định từ phía Việt Nam.
Việt Nam phát triển điện hạt nhân để làm gì?
Theo báo cáo tóm tắt kinh nghiệm quốc tế và phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam của Viện Năng lượng (thuộc Bộ Công Thương), việc khởi đầu chương trình phát triển điện hạt nhân của mỗi quốc gia lại có những cách tiếp cận khác nhau. Cụ thể, một số nước xuất phát từ tiềm lực sẵn có của công nghệ hạt nhân; một số khác xuất phát từ bài toán gắn phát triển điện hạt nhân với mục đích lưỡng dụng; vào nhóm còn lại là phát triển điện hạt nhân để giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu.
Theo báo cáo này, Việt Nam nằm trong nhóm thứ ba, tức là lấy việc phát triển điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng trong phát triển dài hạn đảm bảo an ninh cung cấp năng lượng, đồng thời để phù hợp xu thế chung chuyển dịch năng lượng xanh và sạch hơn.
Trên thực tế, năng lượng hạt nhân có thể giúp ngành năng lượng thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch nhanh và an toàn hơn. Việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trở thành ưu tiên hàng đầu về an ninh năng lượng, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu như hiện nay.
Mặt khác, trong Kịch bản Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năng lượng hạt nhân đóng một vai trò quan trọng trong lộ trình toàn cầu nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Cụ thể, điện hạt nhân tăng gấp đôi từ 413 GW (đầu năm 2022) lên tới 812 GW (năm 2050). Ngoài ra, công suất điện hạt nhân cũng tăng lên 27 GW/năm vào những năm 2030.