Những người yêu thích đồ ngọt đang đối mặt với một nỗi lo trong năm 2024: giá ca cao đã đạt mức cao nhất mọi thời đại, có nguy cơ khiến sô cô la trở nên đắt hơn.
Giá ca cao đã tăng gấp đôi trong năm qua, với hợp đồng tương lai đạt ngưỡng 5.600 USD/tấn vào ngày 8/2. Đó là mức giá cao nhất trong vòng 65 năm qua kể từ khi các chuyên gia bắt đầu theo dõi diễn biến giá ca cao. Mức cao kỷ lục gần đây nhất được ghi nhận vào năm 1977, khi hợp đồng đạt 5.379 USD/tấn.
Nguyên nhân của việc tăng giá này là bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan tàn phá mùa màng ở Tây Phi, nơi cung cấp phần lớn hạt ca cao cho thế giới. Sau một trận mưa xối xả khiến dịch bệnh lây lan trên cây trồng làm ảnh hưởng đến nguồn cung, thời tiết khô hạn đe dọa sản xuất tiếp tục bị cản trở.
Đầu tuần này, chủ tịch Hiệp hội Ca cao Châu Âu, Paul Davis, cho biết ông sẽ không loại trừ khả năng giá sẽ tăng vọt lên 6.000 USD/tấn.
Ông nói: “Hiện tại, chúng tôi đang gặp phải những “cơn gió ngược” ở khắp mọi nơi. Phân bón rất đắt tiền, điều kiện khó khăn đối với người nông dân và sẽ dẫn đến những khó khăn cho người tiêu dùng."
Điều đó có thể gây tổn hại cho những nhà sản xuất sô cô la như Hershey, gần đây họ đã tiết lộ trong báo cáo tài chính năm 2023 rằng giá ca cao lịch sử dự kiến sẽ hạn chế tăng trưởng lợi nhuận của công ty trong năm 2024.
Và đó không phải là sự thiếu hụt có thể khắc phục được ngay lập tức. Trong khi một số người trồng đã mở rộng sản xuất trong bối cảnh thiếu hụt trầm trọng thì những cây mới phải mất vài năm mới có thể trồng được hạt ca cao.
Davis cho biết: “Chúng tôi đang ở trong tình trạng rất khó khăn và có khả năng kéo dài thêm 18 tháng đến 3 năm nữa. Không có kỵ binh nào đến giải cứu."
Cây trồng trên khắp thế giới đang phải hứng chịu các hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan. Năm ngoái, mùa màng bị thiệt hại cũng đẩy giá đường, nước cam và dầu ô liu lên mức cao nhất trong nhiều năm.
Tại Việt Nam, sản lượng hạt ca cao hàng năm đạt khoảng 5.500 tấn, trong khi sản lượng của thế giới là khoảng 4,8 triệu tấn. Ca cao được trồng xen kẽ với các loại cây khác như điều, dừa, cây ăn trái,... Điều này khác hoàn toàn với phương cách trồng chuyên canh ở các nước xuất khẩu ca cao lớn khác trên thế giới. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ca cao được trồng chủ yếu ở một số địa phương là Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh. Ở Tây Nguyên, ca cao được trồng chủ yếu ở Lâm Đồng, Đắc Lắk, Đắk Nông. Ở Đông Nam Bộ, ca cao được trồng chủ yếu ở Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo BI