Những thông tin trên được đưa ra tại tọa đàm trực tuyến “'Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi' do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 28/9 vừa qua.
Thông tin tại toạ đàm, ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán cho biết, trên nghĩa tích cực của chuyển đổi số, ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động này và đã thu được những thành quả rất tích cực. Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu khi tỉ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn. Đại dịch Covid-19 vừa qua, khi các giao dịch trực tuyến lên ngôi trong thời gian dài giãn cách xã hôi, thanh toán trực tuyến bùng nổ, quá trình chuyển đổi số ngân hàng cũng được rút ngắn, và có những bứt phá thần tốc.
Theo Vụ Thanh toán (NHNN), các công nghệ thành tựu cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi vào các dịch vụ ngân hàng cốt lõi (thanh toán, tín dụng, nhận tiền gửi), thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh hàng năm (90% về số lượng và 150% về giá trị). Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với nhiều dịch vụ số khác trong nền kinh tế mang lại các trải nghiệm liền mạch và lợi ích to lớn cho người sử dụng dịch vụ trên không gian số.
Nhiều nghiệp vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, thanh toán chuyển tiền, gửi tiền/ gửi tiết kiệm đã được số hóa toàn diện 100%, cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở tốp đầu đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức tối ưu, chỉ từ 30-40%, phản ánh hiệu quả từ chuyển đổi số, phát triển dịch vụ ngân hàng số. Trong 8 tháng đầu năm 2022, thanh toán trên thiết bị di động tăng 107% về số lượng và 92% về giá trị.
Với những kết quả đạt được, Việt Nam cũng đã được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận tích cực. Theo hãng tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey, năm 2021, ngành ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, tăng từ 41% năm 2015 lên đến 82% vào năm 2021, cao hơn mức tăng bình quân 23% của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân 33% của thị trường mới nổi.