Theo thông tin công bố trên HNX, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa chào bán thành công 2.000 trái phiếu mã VIBL2427004, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tương đương giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng.
Lô trái phiếu được phát hành ngày 17/9/2024, kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 5,2%.năm, có kèm điều khoản mua lại.
Đây là lô trái phiếu tư được VIB phát hành kể từ đầu năm. Ba lô trước gồm mã VIBL2427001 phát hành ngày 24/7, giá trị 2.000 tỷ đồng, lãi suất 5,8%/năm.
Hai lô còn lại mã VIBL2427002 trị giá 1.000 tỷ đồng và VIBL2427003 trị giá 2.000 tỷ đồng được phát hành trong tháng 8, lãi suất 5,2%/năm.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, VIB đã huy động được 7.000 tỷ đồng từ 4 lô trái phiếu. Các lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 3 năm.
Theo công bố về tình hình thanh toán gốc lãi bán niên, VIB đã chi 297 tỷ đồng đểthanh toán tiền lãi đồng thời mua lại 6.600 tỷ đồng tiền gốc trái phiếu. Đây là các lô trái phiếu được phát hành năm 2019, 2021 và 2022, sẽ đáo hạn vào năm 2024 - 2025.
Về tình hình kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, VIB mang về thu nhập lãi thuần 7.981 tỷ đồng, giảm 8,3% so cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đều tăng lên lần lượt là 3.677 tỷ (tăng 18%) và 2.075 tỷ đồng (tăng 35%).
Kết quả, lợi nhuận trước thuế 6 tháng của VIB giảm 18,3% so cùng kỳ, về còn 4.605 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cũng giảm tương tự về còn 3.684 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý II/2024, tổng tài sản của VIB tăng 5,1% so đầu năm, lên mức 430.962 tỷ đồng.
Trong đó, cho vay các tổ chức tín dụng khác tăng gấp 4,4 lần lên mức 52.412 tỷ đồng. Cho vay khách hàng chiếm 278.906 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,7% so đầu kỳ. Trong cơ cấu nợ phải trả, tiền gửi của khách hàng chiếm 247.629 tỷ đồng, tăng 4,6% so đầu kỳ.
Trong bối cảnh như trên, một yếu tố cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của VIB là việc nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu có nguy cơ mất vốn (nợ nhóm 5) tăng cao.
Cụ thể, theo BCTC hợp nhất quý 2/2024 do VIB công bố, tại thời điểm 30/6/2024, VIB ghi nhận 4.205,5 tỷ đồng nợ nhóm 5, tăng 91,3% so với thời điểm kết thúc năm 2023 (tại ngày 31/12/2023, VIB ghi nhận 2.198,1 tỷ đồng nợ nhóm 5).
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của VIB tăng 22% so đầu kỳ, lên mức 10.201 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm tới 41% tổng nợ xấu và tăng 1,9 lần đầu kỳ với 4.205 tỷ đồng; nợ nghi ngờ xấp xỉ đầu kỳ tại 3.729 tỷ; còn nợ dưới tiêu chuẩn giảm 8,5% về mức 2.266 tỷ đồng. Kết quả là tỷ lệ nợ xấu tăng từ 3,14% lên mức 3,66% sau 6 tháng đầu năm.
Tài trợ cho Anh Trai “Say Hi” khiến chi phí hoạt động của VIB tăng cao
Theo SSI Research, việc tài trợ cho gameshow Anh Trai “Say Hi” có thể khiến tổng chi phí hoạt động của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) tăng 9,5% so với năm 2023, lên hơn 7,2 nghìn tỷ đồng trong năm 2024.
Tại báo cáo phân tích doanh nghiệp đối với Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) do Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư thuộc Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) công bố mới đây, ước tính lợi nhuận trước thuế của VIB trong năm 2024 đã được điều chỉnh giảm 14,2% so với ước tính trước đó xuống mức 9,4 nghìn tỷ đồng (giảm 11,8% so với cùng kỳ).
SSI Research nhận định, việc giảm ước tính lợi nhuận kỳ vọng VIB do khó khăn trong việc cắt giảm chi phí hoạt động.
Theo đó, chi phí hoạt động của VIB đã tăng mạnh 16% so với cùng kỳ (svck) năm 2023 lên 1,6 nghìn tỷ đồng trong Q2/2024, chủ yếu là do chi phí lương nhân viên tăng đáng kể (+16,5% svck lên 1,16 nghìn tỷ đồng) và chi phí quản lý (+24% svck lên 218,6 tỷ đồng).
SSI Research cho rằng tăng trưởng tín dụng cải thiện trong Q2/2024 (+4,2% so với quý trước) và việc là nhà tài trợ cho chương trình gameshow “Anh Trai Say Hi” là những nguyên nhân chính khiến chi phí lương của VIB tăng cao.
SSI Research cho rằng chi phí hoạt động sẽ tăng (+9,5% svck lên hơn 7,2 nghìn tỷ đồng so với 6,9 nghìn tỷ đồng theo ước tính trước đó) trong năm 2024, tương đương với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) là 34%.
Theo thông báo từ VIB, Anh Trai “Say Hi” Concert 2024 sẽ diễn ra vào ngày 28/09 tại TP.HCM.