Theo báo cáo của Bộ Thương mại Thái Lan, trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng và sầu riêng đông lạnh của Thái Lan đạt tổng giá trị 63.627 triệu baht (hơn 1,8 tỷ USD), tăng 166% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của sầu riêng Thái Lan là Trung Quốc với trị giá 62.068 triệu baht (1,76 tỷ USD), tăng 170% so với năm ngoái, tiếp đến là Hong Kong (Trung Quốc), tổng trị giá 941 triệu baht (gần 26,7 triệu USD), tăng 77% và Đài Loan (Trung Quốc), trị giá 198 triệu baht (5,6 triệu USD), tăng 36%.
Đáng chú ý, Việt Nam đứng thứ 10 với tư cách là thị trường xuất khẩu của Thái Lan với giá trị 16,25 triệu baht (460.000 USD, khoảng 10,8 tỷ đồng), mức tăng lên đến 10.769%.
Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc xuất khẩu sầu riêng Thái Lan sang Việt Nam tăng đột biến.
Thứ nhất, mặc dù khối lượng vẫn còn tương đối thấp, các thương nhân Thái Lan đang có xu hướng chuyển trọng tâm xuất khẩu qua Việt Nam như một cửa ngõ để vào Trung Quốc, đi qua các cửa khẩu như You Yiguan, Dongxing và Ping Qian.
Theo trang Khaosod, tuyến đường xuyên biên giới này đang được sử dụng rộng rãi bởi hàng xuất qua Việt Nam nhiều khi không cần trung gian vì được coi là hàng xuyên biên giới, không tính thuế và chỉ mất phí biên mậu.
Nguyên nhân thứ 2 chính là việc nhu cầu tiêu thụ sầu riêng Thái Lan tại Việt Nam đã tăng mạnh kể từ đầu năm 2023. Theo nhiều đầu mối kinh doanh tại Hà Nội, TP.HCM, sầu riêng Thái Lan xuất vào Việt Nam có đến 5-6 chủng loại khác nhau, giá bán cao hơn 2-5 lần so với sầu riêng nội những vẫn đắt khách.
Trong số này, loại sầu riêng đắt đỏ nhất là Black Thorn (gai đen), thường được trồng ở vùng Chanthaburi, miền đông Thái Lan với giá bán 600.000-900.000/kg.
Sanchai Puranachaikiri, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu và thương mại trái cây Thái Lan cho hay xuất khẩu sầu riêng của nước này dự kiến tăng 50% trong năm nay. Trong khi đó, ông Keerati Rushchano, Thư ký thường trực của Bộ Thương mại Thái Lan tỏ ra thận trọng hơn khi khẳng định xuất khẩu sầu riêng (cả tươi và đông lạnh) đã tăng hơn 100% trong 4 tháng đầu năm nhưng xu hướng trong nửa cuối năm vẫn chưa thể đánh giá do sản xuất ở khu vực phía Đông đã gần như hoàn tất.
Trong khi đó, sầu riêng đã nhanh chóng trở thành một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm 2023.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, chỉ riêng tháng 5/2023, trị giá xuất khẩu sầu riêng đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 332 triệu USD, gấp hơn 10 lần tháng trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm, mặt hàng này mang về cho Việt Nam 503,4 triệu USD, tăng 1.700% so với cùng kỳ. Trong đó, Trung Quốc chính là khách hàng lớn nhất của sầu riêng Việt Nam với giá tổng giá trị xuất khẩu đạt 477 triệu USD, chiếm 95% tổng giá trị mặt hàng này.
Tính đến cuối năm 2022, diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam ước tính đạt 110.000 ha, theo Cục Trồng trọt. Trong 5 tháng đầu năm nay, diện tích trồng mới cây sầu riêng tiếp tục tăng mạnh.