Vì sao vốn đầu tư thực tế từ Hoa Kỳ vào Việt Nam chênh lệch hàng tỷ USD so với báo cáo?

Nhã Mi | 14:18 08/12/2022

Theo thống kê, tổng vốn đăng ký lũy kế từ Hoa Kỳ đạt 11,4 tỷ USD và đã có mặt tại hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế và các vùng, địa phương của Việt Nam.

Vì sao vốn đầu tư thực tế từ Hoa Kỳ vào Việt Nam chênh lệch hàng tỷ USD so với báo cáo?

Theo thông tin từ Tọa đàm Kết nối đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ - Singapore, trong nhiều năm qua, với vai trò Đối tác toàn diện, Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác đầu tư lớn của Việt Nam, với tổng vốn đăng ký thống kê lũy kế đạt 11,4 tỷ USD và đã có mặt tại hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế và các vùng, địa phương của Việt Nam.

Đến nay, Hoa Kỳ xếp thứ 11/141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, với dòng vốn có xu hướng tăng trưởng nhanh, ổn định và tập trung vào một số ngành chiến lược như sản xuất bán dẫn, nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư của các nhà đầu tư Hoa Kỳ thực tế còn cao hơn mức công bố do nhiều dự án lớn được đầu tư từ nước thứ ba như CocaCola, Pepsi, Unilever, Procter & Gamble, ước đạt trên 13 tỷ USD và đứng thứ 8/141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Đầu năm 2022, 42 doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội tăng cường đầu tư. 

Đoàn doanh nghiệp này gồm những tên tuổi lớn như Abbott, Apple, Bank of America, Boeing, Chevron, Coca-Cola, Google, Novartis hay Visa...

Một số lĩnh vực tại Việt Nam mà doanh nghiệp Hoa Kỳ rất quan tâm đầu tư. Nổi bật là kinh tế Internet. Kinh tế Internet của Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh trong bối cảnh chung kinh tế Internet Đông Nam Á cũng tăng trưởng như vũ bão. Ngoài ra quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam cũng đang diễn ra nhanh chóng, và nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang xếp hàng để chờ đợi cùng được tham gia vào quá trình này.

Singapore là một trong những điểm trung chuyển quan trọng giúp đưa dòng vốn của Hoa Kỳ đến với Việt Nam.

Singapore đang ngày càng thể hiện vai trò thiết yếu đối với hoạt động thu hút FDI của Việt Nam, với tổng vốn lũy kế đạt 70,7 tỷ USD, đứng thứ 2/141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay,  có 107 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,78 tỷ USD, chiếm 23% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 24% so với cùng kỳ 2021.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mong muốn Singapore, với vai trò là cầu nối đến các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn Hoa Kỳ, tiếp tục nghiên cứu, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực tại Việt Nam như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, chuyển đổi số; năng lượng mới, năng lượng tái tạo; các khu công nghiệp sinh thái gắn với đô thị thông minh, đô thị sinh thái, dịch vụ chất lượng cao tạo thành các hệ sinh thái công nghiệp - đô thị; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, bao trùm.


(0) Bình luận
Vì sao vốn đầu tư thực tế từ Hoa Kỳ vào Việt Nam chênh lệch hàng tỷ USD so với báo cáo?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO