Vì sao Vietnam Airlines xin hoãn công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022?

Hà Linh | 21:00 29/03/2023

Trước đó, HoSE đã nhiều lần có công văn gửi đến Vietnam Airlines lưu ý về nguy cơ bị huỷ niêm yết đối với cổ phiếu HVN do kinh doanh thua lỗ triền miên và âm vốn chủ sở hữu.

Vì sao Vietnam Airlines xin hoãn công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022?

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines – mã HVN) vừa có văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) xin tạm hoãn công bố thông tin báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2022.

Vietnam Airlines cho biết, tổng công ty có quy mô lớn hoạt động trên toàn cầu với 27 đơn vị trực thuộc (9 đơn vị trong nước và 18 chi nhánh nước ngoài) và 15 công ty con có quy mô vừa và lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực và cũng phải lập báo cáo tài chính hợp nhất. Tổng công ty và các công ty con đang sắp xếp ổn định lại hoạt động SXKD, khắc phục các hậu quả của đại dịch Covid-19, từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp.

Trong điều kiện như vậy, Vietnam Airlines cần thêm thời gian cho việc đối chiếu báo cáo, xác nhận báo cáo, tổng hợp số liệu tuân thủ chuẩn mực kiểm toán.

Đối với công ty mẹ, trong năm 2022, Vietnam Airlines đã thực hiện tái cơ cấu, sắp nhập 5 đơn vị trực thuộc, tiến hành đóng mã số thuế tại các chi nhánh được sáp nhập nên công tác đối chiếu số liệu báo cáo giữa các cơ quan, đơn vị bị kéo dài.

Văn bản của Vietnam Airlines cũng cho biết, trong giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tổng công ty đã đàm phán và được nhiều nhà cung cấp nước ngoài chấp thuận (có điều kiện) cho phép được giảm giá hàng hoá dịch vụ, giãn hoãn các khoản thanh toán. Do có các điều kiện thay đổi trong việc thực hiện hợp đồng, Vietnam Airlines cần nhiều thời gian hơn để đối chiếu xác nhận công nợ đáp ứng chuẩn mực kiểm toán.

Với những yếu tố khách quan nêu trên, Vietnam Airlines đề nghị UBCKNN và HoSE xem xét, chấp thuận cho tổng công ty được gia hạn công bố thông tin BCTC năm 2022. Tổng công ty cam kết thực hiện công bố thông tin về việc tạm hoãn này và sẽ công bố đầy đủ BCTC công ty mẹ và hợp nhất năm 2022 sau khi hoàn thành. Tuy nhiên, văn bản của Vietnam Airlines không đưa ra thời gian cụ thể.

Theo BCTC hợp nhất quý 4/2022 (tự lập), Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần năm 2022 đạt 70.500 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, gánh nặng chi phí đã khiến hãng hàng không này lỗ ròng hơn 10.400 tỷ đồng năm 2022. Theo giải trình, kết quả thua lỗ là do chi phí nguyên liệu tăng và chi phí bán hàng tăng tương ứng với doanh số bán hàng. Ngoài khoản lỗ của công ty mẹ thì khoản lỗ của cả Pacific Airlines và Công ty Dịch vụ mặt đất đều tăng.

photo-2-1674397607561722065991.png
photo-1-16743976049381056410061.png

Với việc lỗ nặng 3 năm liên tiếp, Vietnam Airlines đang lỗ lũy kế hơn 34.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 10.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Điều này đẩy cổ phiếu HVN của hãng hàng không này đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết. Trước tình hình đó, HoSE đã nhiều lần có công văn gửi đến Vietnam Airlines lưu ý về điều này.

Căn cứ Nghị định 155/2020/NĐ-CP năm 2020 quy định cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất. Do vậy, nếu không có thay đổi quan trọng nào trong báo cáo tài chính năm 2022 có kiểm toán sắp tới, hơn 2,2 tỷ cổ phiếu Vietnam Airlines sẽ bị buộc phải rời sàn HoSE theo quy định.


(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Vì sao Vietnam Airlines xin hoãn công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO