Vì sao nhiều tiềm năng nhưng Việt Nam gần như chưa xuất hiện trên bản đồ nhượng quyền thế giới?

Hậu Nguyễn | 10:38 21/06/2024

Rất nhiều nhu cầu mới được phát sinh theo quá trình tăng trưởng thu nhập cũng như quá trình thay đổi cấu trúc dân số của Việt Nam, tuy nhiên, mảng nhượng quyền hiện nay tại Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn khởi động.

Vì sao nhiều tiềm năng nhưng Việt Nam gần như chưa xuất hiện trên bản đồ nhượng quyền thế giới?

Mới đây, ThS Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch HĐQT CTCP Nhượng Quyền Tinh Gọn Franchise VN - đơn vị đầu tiên tại Việt Nam tư vấn và đào tạo về nhượng quyền tinh gọn đã chia sẻ với truyền thông về xu hướng và tiềm năng của mảng kinh doanh nhượng quyền.

Đầu tiên, góc nhìn của anh về tiềm năng của mảng nhượng quyền (franchising) tại Việt Nam ra sao?

Nhượng quyền đã xuất hiện từ rất lâu và ngay tại các nước phát triển thì nhượng quyền vẫn là một lĩnh vực rất tiềm năng minh chứng qua các con số mở mới các franchisee (bên mua nhượng quyền, gọi tắt là Zee).

Chúng ta nên hiểu là nhượng quyền là cách thức, còn bản chất các lĩnh vực kinh doanh thì nó luôn sinh ra nhằm giải quyết các vấn đề và nhu cầu của khách hàng. Thay vì chúng ta giải quyết theo phương thức truyền thống (là mở chuỗi, tìm đại lý, nhà phân phối…) thì chúng ta có thêm hình thức nhượng quyền để cân nhắc.

Ví dụ: lĩnh vực kinh doanh tập Gym hiện nay có nhiều cách kinh doanh mới để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Ở Mỹ có các mô hình Mobile Gym (phòng gym di động). Sau khi có mô hình thành công, họ chọn cách bán nhượng quyền để nhiều người khác cùng tham gia kinh doanh mô hình này thay vì tự đi tuyển dụng rồi mở chi nhánh. Tốc độ mở rộng của nhượng quyền có thể rất nhanh, như mô hình Pearce Bespoke họ mở mới 500 điểm trong một năm.

Quay trở về Việt Nam, tiềm năng ngành nhượng quyền này có thể tóm gọn trong 2 ý:

  1. Tổng quan về kinh tế, xã hội, dân số Việt Nam đang trong thuận lợi để phát triển kinh doanh cho tất cả các ngành nghề kinh doanh trong vòng 10 năm tới chứ không chỉ riêng gì nhượng quyền. Rất nhiều nhu cầu mới được phát sinh theo quá trình tăng trưởng thu nhập cũng như quá trình thay đổi cấu trúc dân số của Việt Nam.
  2. Nhượng quyền hiện nay tại Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn khởi động, thể hiện qua: (i) số lượng các thương hiệu nhượng quyền thành công còn ít; (ii) luật pháp cho lĩnh vực này còn ở mức căn bản; (iii) số lượng các công ty tư vấn và trung gian còn ít; (iv) Việt Nam gần như chưa xuất hiện trên bản đồ nhượng quyền thế giới.

Do đó, đây là mảng tiềm năng cho cả đơn vị bán nhượng quyền (Franchisor, gọi tắt là Zor) và cả các nhà đầu tư mua nhượng quyền (Franchisee, gọi tắt là Zee).

2.jpg

Tại sao tiềm năng như vậy, nhưng ở Việt Nam lại chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào mảng này?

Góc nhìn của tôi như sau: để bắt đầu kinh doanh nhượng quyền thì trước hết phải có đơn vị bán nhượng quyền. Và thị trường nhượng quyền càng phát triển khi càng có nhiều đơn vị bán nhượng quyền uy tín và có mô hình kinh doanh hiệu quả. Tại thị trường Việt Nam thì chúng ta có những thực trạng như sau:

  • Đơn vị nhượng quyền bắt đầu xây dựng thường là các doanh nghiệp nhỏ (thậm chí start up). Do đó, khả năng họ tiếp cận được những phương pháp để tinh gọn vận hành, chuẩn hóa và đóng gói hoạt động để bàn giao cho Zee là không nhiều. Bản chất hoạt động nhượng quyền là hoạt động chuẩn hóa và bàn giao lại.
  • Khi Zor gặp khó khăn trong việc đóng gói chuẩn chỉnh thì khó thuyết phục được người mua nhượng quyền. Vì lý do này nên không có nhiều Zor thành công trong việc bán rộng rãi và duy trì được lâu dài hoạt động nhượng quyền (khi mức độ chuẩn hóa thấp thì lỗi/ dung sai cao làm cho chất lượng các Zee không ổn định và từ từ sẽ gây ảnh hưởng danh tiếng thương hiệu).
1.png

Ví dụ: chuẩn hóa hoạt động nhà hàng: ngoài công thức nấu ăn (cả chuẩn về định lượng, cả chuẩn hóa phương thức nấu, quy trình nấu) thì còn chuẩn hóa nguyên liệu đầu vào, chuẩn hóa đào tạo nhân sự, cách quản lý kho, cách marketing bán hàng... Khi nào một người không biết gì về nấu ăn cũng có thể vận hành nhà hàng theo các nội dung được bàn giao (qua đào tạo và tài liệu) thì lúc đó khả năng thuyết phục người mua mới cao.

  • Các doanh nghiệp lớn, có hoạt động bài bản và quen thuộc với các phương thức chuẩn hóa như ISO, Lean Six Sigma… thì thường không mở thêm một đơn vị kinh doanh (BU- business unit) mới để tham gia xây dựng hoạt động nhượng quyền hoặc nếu có ý định, thì họ sẽ chọn các đi mở chuỗi hơn là nhượng quyền.
  • Hệ sinh thái nhượng quyền còn ít nên chưa hỗ trợ được nhiều cho các Zor. Ở đây hệ sinh thái sẽ bao gồm: các đơn vị đào tạo chuyên nghiệp về nhượng quyền, các đơn vị tư vấn chuẩn hóa, các đơn vị tham gia bán nhượng quyền thay cho Zor và cuối cùng là các nhà cung cấp các giải pháp cho lĩnh vực này (gồm cả logistic, nguyên vật liệu, phần mềm, marketing …)
  • Và một ý phụ cuối đó là cũng có nhiều Zor xây dựng với mục đích không tốt khi chỉ muốn bán càng nhanh, càng nhiều điểm nhượng quyền để thu tiền mà không hướng tới phát triển bền vững. Điều này cũng là điểm làm cho nhiều nhà đầu tư lo ngại và tạo ra hiệu ứng “chim sợ cành cong”, làm chậm sự phát triển của franchise.

Lời khuyên của anh dành cho các doanh nghiệp muốn tham gia vào lĩnh vực này là gì?

Đối với Zor: (i) hãy tận dụng cơ hội thị trường còn sơ khai để chuẩn hóa và đẩy mạnh việc mở rộng Zee. Thậm chí Zor đã thành công nhượng quyền một thương hiệu, hãy nghĩ đến việc mở thêm 1 thương hiệu nữa có điểm tương tự để tận dụng kiến thức và trải nghiệm của đội ngũ; (ii) các hộ kinh doanh, các nhóm khởi sự nếu đang loay hoay trong việc xây mô hình kinh doanh và chuẩn hóa quy trình thì chỉ có 2 các duy nhất giải quyết: đi học về xây dựng nhượng quyền hoặc mời người biết cách làm tham gia co-founder.; (iii) Liên tục tinh gọn và giảm lãng phí, đó là con đường duy nhất để hệ thống nhượng quyền tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững.

Đối với Zee: (i) đầu tư nhượng quyền cũng là một khoản đầu tư, do đó, hãy tìm thật nhiều lựa chọn để so sánh (VD: thay vì đầu tư quán cafe, thì còn những mảng khác như làm đẹp, dịch vụ, thể thao…); (ii) hãy tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định và nếu bạn không có chuyên môn để đọc hiểu các hợp đồng thì hãy nhờ luật sư hoặc tư vấn vì khoản phí tư vấn không đáng kể so với tổng số tiền bạn có thể bị thiệt hại; (iii) đừng bao giờ đầu tư theo phong trào vì rủi ro sẽ cao hơn những lĩnh vực có sự phát triển bền vững.

1.jpg

ThS Nguyễn Thế Trung - Chủ tịch Franchise VN

Cảm ơn anh!

ThS Nguyễn Thế Trung, một chuyên gia tài chính ngân hàng đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí như Giám đốc định chế tài chính - ngân hàng ACB, Giám đốc đầu tư - chứng khoán Tiên Phong, Phó tổng giám đốc, TV HĐQT Khải Hoàn Land. Anh đã từng tham gia xây dựng kênh huy động cho thị trường cổ phiếu niêm yết từ các nhà đầu tư Thái Lan, xây dựng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp, IPO và niêm yết KHG.

Hiện nay ThS Nguyễn Thế Trung là Chủ tịch HĐQT CTCP Nhượng Quyền Tinh Gọn, CEO CTCP Tư vấn giáo dục John&Partners và là Phó chủ tịch hiệp hội nhượng quyền FCC Việt Nam.


(0) Bình luận
Vì sao nhiều tiềm năng nhưng Việt Nam gần như chưa xuất hiện trên bản đồ nhượng quyền thế giới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO