Chất lượng tài sản suy yếu và rủi ro thanh khoản
Theo thông tin từ Moody’s, việc FE Credit bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm phản ánh khả năng thanh toán kém đi của công ty do chất lượng tài sản suy yếu và rủi ro thanh khoản bắt nguồn từ sự chênh lệch kỳ hạn đáng kể giữa tài sản có (assets) và tài sản nợ (liabilities), trong bối cảnh điều kiện huy động vốn eo hẹp trong nước, mặc dù đã được phần nào bù đắp bởi các cam kết tài trợ từ các cổ đông.
Cũng với những lý do trên, Moody’s đã quyết định hạ mức đánh giá độc lập của FE Credit từ B2 xuống Caa1.
Tuy đối mặt với khá nhiều thách thức, tuy nhiên Moody’s cũng kỳ vọng khả năng lớn FE Credit sẽ nhận được sự hỗ trợ đặc biệt từ các công ty mẹ là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, xếp hạng tín nhiệm Ba3, triển vọng ổn định) và Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG, hạng tín nhiệm A1, triển vọng ổn định), hiện sở hữu lần lượt 50% và 49% cổ phần tại FE Credit.
Theo Moody’s, sự hỗ trợ này sẽ giảm thiểu một phần rủi ro về khả năng thanh toán và thanh khoản của FE Credit.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm cho biết, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của FE Credit đã tăng lên 22% vào cuối năm 2022 từ mức 14% một năm trước đó, do tỷ lệ nợ quá hạn của các khoản vay tài chính tiêu dùng tăng và dư nợ cho vay giảm 9% vào năm 2022.
Chất lượng tài sản suy giảm phản ánh hồ sơ rủi ro cao vốn có của những khách hàng vay tài chính tiêu dùng của FE Credit - thường là những nhà bán lẻ có thu nhập thấp ở Việt Nam, và các tiêu chuẩn bảo lãnh phát hành yếu kém của công ty, Moody’s nhận định.
Mặc dù chất lượng tài sản FE Credit phần nào được cải thiện nhờ chiến lược giảm thiểu rủi ro thông qua việc thắt chặt các tiêu chí cho vay và chuyển cơ cấu khoản vay sang các khách hàng tiềm năng ít rủi ro hơn, nhưng chiến lược này liên quan đến rủi ro trong quá trình thực thi và sẽ mất thời gian để có thể hiện thực hoá. Moody’s đánh giá, rủi ro tài sản của FE Credit sẽ vẫn ở mức cao trong vòng 12-18 tháng tới.
Trong năm 2022, FE Credit đã báo lỗ với tỷ số lợi nhuận trên tài sản (ROA) giảm xuống âm 3,1% từ mức 0,4% năm 2021 do tổn thất tín dụng tăng cao.
Theo đó, vốn lõi của công ty, được biểu thị bằng tỷ lệ vốn chủ sở hữu hữu hình (TCE)/tài sản có rủi ro (TMA), đã giảm xuống 17% vào cuối năm ngoái từ mức 20% một năm trước đó do khoản lỗ làm xói mòn cơ sở vốn.
Moody’s dự báo chi phí tín dụng của FE Credit sẽ duy trì ở mức cao và tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng sinh lời cũng như vốn của công ty trong vòng 12-18 tháng tiếp theo.
Ngoài ra, FE Credit cũng phải đối mặt với rủi ro thanh khoản trong điều kiện huy động vốn eo hẹp tại Việt Nam, do sự chênh lệch kỳ hạn đáng kể giữa tài sản có và tài sản nợ và sự phụ thuộc vào việc tái đầu tư hoặc tái cấp vốn của các quỹ bán buôn để tất toán các khoản nợ ngắn hạn của mình.
Tuy nhiên, theo Moody’s, một phần rủi ro được bù đắp bằng sự hỗ trợ vốn liên tục từ các ngân hàng mẹ.
Cũng tại báo cáo mới đây, Moody’s đã điều chỉnh điểm hồ sơ quản trị nhà phát hành của FE Credit thành G-4 (rất tiêu cực) từ mức G-3 (tiêu cực vừa phải) để phản ánh tác động tiêu cực của các cân nhắc về quản trị đối với xếp hạng của FE Credit.
Triển vọng tiêu cực phản ánh sự không chắc chắn chung quanh khả năng cải thiện chất lượng tài sản và khả năng sinh lời của FE Credit, trong bối cảnh rủi ro thực thi khá lớn liên quan đến các kế hoạch giảm thiểu rủi ro và phân bổ lại danh mục đầu tư cũng như những thách thức từ tổn thất tín dụng và chi phí vốn tăng cao.
FE Credit có tỷ lệ nợ nợ xấu cao nhất trong ngành tài chính tiêu dùng
Tỷ lệ nợ xấu tại quý 4/2022 đạt 21,8% (so với 14,1% cuối năm 2021) và hiện đang là mức nợ xấu cao nhất trong ngành tài chính tiêu dùng.
Báo cáo cập nhật hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) - Ngân hàng sở hữu đa số tại FE Credit do Công ty chứng khoán VCBS công bố cho thấy lợi nhuận trươc thuế (LNTT) cả năm 2022 của FE Credit ghi nhận lỗ 3.121 tỷ đồng chủ yếu đến từ việc tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh. Tỷ lệ nợ xấu tại quý 4/2022 đạt 21,8% (so với 14,1% cuối năm 2021) và được đánh giá là mức nợ xấu cao nhất trong ngành tài chính tiêu dùng.
Trích lập dự phòng hợp nhất của VPBank tăng lên 22.461 tỷ đồng, + 18%, trong đó chi phí dự phòng của FE Credit tăng mạnh, đạt 13.681 tỷ đồng + 20%, trong năm 2022. Tính riêng trong quý 4, ngân hàng trích lập 7.300 tỷ đồng, +36%, chủ yếu là do nợ xấu tại FE Credit tăng mạnh vào thời điểm cuối năm.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh của FEC, VCBS cho biết, tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh lên 21,8% cùng tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng vọt từ 8,7% lên 13,2% khiến cho triển vọng hồi phục kinh doanh năm 2023 của công ty không quá khả quan. "Chúng tôi cho rằng ảnh hưởng của dịch bệnh đối với tập khách hàng trọng tâm của FE là lâu dài hơn phân khúc khách hàng khác, do đó tỉ lệ nợ xấu của VPB có khả năng sẽ vẫn ở mức cao trong năm 2023 dẫn đến áp lực tiếp tục trích lập dự phòng ở mức cao", VCBS nhận định.
Trước đó, trong báo cáo phân tích doanh nghiệp được Công ty chứng khoán VNDirect đưa ra hồi cuối tháng 2, công ty chứng khoán này khẳng định lợi nhuận ròng của VPbank giảm mạnh chủ yếu do chi phí hoạt động tăng và khoản dự phòng lớn ở FECredit.
"Với bối cảnh vĩ mô vẫn đầy thách thức, chúng tôi cho rằng 2023 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với FECredit, do đó chúng tôi dự báo mảng này sẽ lỗ trước thuế khoảng 700 tỷ đồng trong năm nay trước khi quay trở lại có lãi vào năm 2024", VnDirect nhận định.