Quyết định tăng lãi suất của Fed ngay lập tức khiến hàng loạt Ngân hàng Trung ương (NHTW) ồ ạt nâng các mức lãi suất điều hành, kéo theo nhiều chi phí về vốn khác trong nền kinh tế. Không chỉ ở Mỹ, cuộc sống của người dân tại bất kỳ quốc gia nào cũng đang chịu ảnh hưởng từ quyết định của một ngân hàng xa xôi.
Tại sao Fed phải tăng lãi suất?
Trong 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số lạm phát – CPI – tại mỹ là 9,1% - mức lạm phát cao chưa từng thấy trong 40 năm qua. Mức lạm phát cao kỷ lục đã nhanh chóng phá vỡ những lợi ích mà Hoa Kỳ thu được trong những năm thịnh vượng trước đó, làm xói mòn giá trị của các khoản tiết kiệm tư nhân, ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, hàng hóa trở nên đắt đỏ.
Cục dự trữ liên bang Mỹ - Fed, với vai trò là NHTW của Hoa Kỳ, đã phải thực hiện nhiệm vụ kiểm soát lạm phát ngay lập tức. Nhưng Fed không thể trực tiếp thay đổi giá cả hàng hóa mà phải can thiệp gián tiếp thông qua việc thay đổi cung tiền của nền kinh tế.
Công cụ hiệu quả nhất hiện tại cho Fed là tăng lãi suất.
Lãi suất của Fed “vận hành” như thế nào?
Lãi suất mà Fed điều chỉnh, tiếng Anh là Federal Fund Rate, chính là mức lãi suất mà các NHTM vay tiền lẫn nhau, được gọi là lãi suất liên ngân hàng. Loại lãi suất này có kỳ hạn rất ngắn, thường là qua đêm, khi các ngân hàng cần tiền để đảm bảo tỷ lệ dự trữ tiền mặt tối thiểu mà Fed quy định.
Thực ra Fed không có quyền quyết định mức lãi suất cho vay giữa hai ngân hàng, nhưng một khi đưa ra thông điệp về mức lãi suất, cơ quan này có các công cụ khác nhau để đưa mức lãi suất về con số mục tiêu. Sức mạnh và uy tín của Fed trong hơn 1 thế kỷ qua khiến thị trường có cơ sở để tin vào khả năng điều tiết thị trường của Fed.
Lãi suất được coi là chi phí đi vay. Khi lãi suất tăng, đồng tiền sẽ trở nên khan hiếm trong hệ thống ngân hàng. Để đảm bảo được nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh – chủ yếu là cấp tín dụng, NHTM phải thu hút dòng tiền nhàn rỗi bằng cách tăng lãi suất tiền gửi từ khách hàng.
Chủ yếu nguồn tiền của các NHTM đến từ tiền gửi của người dùng. Vì vậy, trong điều kiện nguồn vốn luân chuyển tự do, lãi suất tiền gửi khách hàng sẽ cao hơn mức lãi suất liên ngân hàng mà Fed đặt ra.
Đối với các ngân hàng, tiền là sản phẩm chính, mà lãi suất – chi phí vay tiền – sẽ đóng vai trò đầu vào của hoạt động kinh doanh. Do đó, khi hai lãi suất đầu vào tăng (lãi suất liên ngân hàng và lãi suất tiền gửi), lãi suất đầu ra phải tăng tương ứng để đảm bảo được lợi nhuận. Nghĩa là NHTM sẽ tăng lãi suất cho vay.
Việc này không chỉ gia tăng chi phí huy động vốn của doanh nghiệp mà còn làm tăng thêm gánh nặng nợ nần của các cá nhân trong xã hội. Những khoản nợ như thẻ tín dụng, vay mua nhà, mua ô tô, mua bất động sản, vay kinh doanh, khoản thế chấp sẽ tăng lên. Người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu.
Nhu cầu về hàng hóa dịch vụ giảm, doanh nghiệp thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh và phải sa thải nhân viên, làm tăng tỷ lệ thất nghiệp. Mỗi người dân Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế.
Đó là bài toán đánh đổi giữa suy thoái và lạm phát mà Fed phải chọn.
Nhằm giữ lại tiền cho nền kinh tế, NHTW các quốc gia sẽ phải tăng lãi suất
Mỹ là quốc gia có quy mô kinh tế lớn nhất thế giới. Hiện nay, đồng đô la Mỹ (USD) chiếm khoảng 85% giao dịch thương mại toàn cầu. Tại nhiều quốc gia, USD được dùng làm tiêu chuẩn đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Với độ phủ kín của mình, USD được coi là đồng tiền chung của nền kinh tế toàn cầu.
Thị trường tài chính thế giới thường tự cân bằng với tỷ giá và lãi suất tại mỗi quốc gia, cùng với những luồng giao thương vô cùng phức tạp. Vì vậy, khi Mỹ, quốc gia quyết định “vận mệnh” của đồng tiền quyền lực nhất thế giới tăng lãi suất, về mặt nguyên tắc dòng tiền từ các quốc gia khác sẽ đổ về Mỹ. Để giảm việc “chảy máu” này, NHTW các nước buộc phải tăng lãi suất để thị trường tài chính của mình đủ hấp dẫn để giữ dòng tiền ở lại.
Thực tế khi Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % vào ngày 21/9, các NHTW trên khắp Châu Á và Châu Âu đã tăng lãi suất ngay sau đó. Đài Loan tăng 0,75 điểm %, NHTW Anh, Indonesia, Philippines đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm %; Na Uy tăng 0,25 điểm%. NHTW Thụy sĩ cũng có quyết định lớn khi chấm dứt kỷ nguyên lãi suất dưới 0 bằng cách tăng thêm 75 điểm lãi suất, nâng lên mức 0,5%.
Ngay cả Nhật Bản, dù vẫn duy trì chính sách lãi suất thấp, nay đã phải bán tháo USD để nâng đỡ đồng Yên sau động thái nâng lãi suất liên tiếp của Fed.
Ngoài tác động của Fed, các NHTW cũng phải đối mặt với bài toán lạm phát tại quốc gia mình (liên quan đến chuỗi giá trị toàn cầu), nên tăng lãi suất là không tránh khỏi.