Vì sao không đưa tên hai tập đoàn được Thủ tướng giao làm dự án "quốc gia đại sự" vào Nghị quyết?

Minh Hằng | 18:38 19/02/2025

Lý do hai tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam tham gia dự án điện hạt nhân Ninh Thuận không có tên cụ thể trong Nghị quyết của Quốc hội, vì nguyên nhân thực tế.

Vì sao không đưa tên hai tập đoàn được Thủ tướng giao làm dự án "quốc gia đại sự" vào Nghị quyết?
Thủ tướng giao Tập đoàn EVN, PVN làm chủ đầu tư của hai dự án nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Ảnh: VGP

Dự án này là điện hạt nhân Ninh Thuận bao gồm 2 nhà máy, trong đó mỗi nhà máy gồm 2 tổ máy. Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Nhà máy Ninh Thuận 2 được đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đã giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia (Petrovietnam - PVN) làm chủ đầu tư của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Thông tin này được nêu rõ tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, ngày 4/2.

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá phát triển điện hạt nhân và xây dựng nhà máy điện hạt nhân là vấn đề lớn, đại sự quốc gia, vấn đề khó, nhạy cảm, vì vậy cần có sự tập trung, đầu tư công sức, trí tuệ tương xứng, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và cần thiết thành lập Tổ công tác, tổ giúp việc chuyên trách giúp Ban Chỉ đạo.

Sáng nay (19/2), tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, với hơn 96% đại biểu tán thành, Quốc hội quyết nghị nhiều cơ chế và chính sách đặc thù để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Thủ tướng Chính phủ được quyền giao chủ đầu tư thực hiện dự án này.

dai-bieu-qh.jpg
Các đại biểu Quốc hội tiến hành bấm nút thông qua Nghị quyết cơ chế đặc thù cho điện hạt nhân Ninh Thuận, sáng 19/2. Ảnh: TTBC Quốc hội

Theo đó, Chính phủ sẽ được áp dụng chỉ định thầu hợp đồng chìa khóa trao tay khi xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong điều ước quốc tế. Hợp đồng này bao gồm lập hồ sơ phê duyệt địa điểm, dự án đầu tư, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ, thi công cũng như mua bảo hiểm của doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, bản hợp đồng này còn có điều khoản về cung cấp nhiên liệu hạt nhân, vận hành, bảo dưỡng nhà máy trong 5 năm, kể từ ngày dự án nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Đáng chú ý, khác với dự thảo, tại Nghị quyết được thông qua không đưa tên cụ thể của EVN và PVN trong vai chủ đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

Trả lời báo chí tại họp báo kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV về Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù phát triển điện hạt nhân Ninh Thuận, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn, cho biết Nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định chung về cơ chế, chính sách chứ không nêu tên cụ thể của các doanh nghiệp.

quoc-hoi.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn, trả lời báo chí tại họp báo. Ảnh: TTBC Quốc hội

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, nêu rõ rằng chủ trương đầu tư của dự án hiện nay vẫn chưa được điều chỉnh, nên chưa có cơ sở đưa tên cụ thể của doanh nghiệp làm chủ đầu tư hai nhà máy này. Việc ban hành Nghị quyết này là cơ sở để Thủ tướng giao chủ đầu tư thực hiện và việc giao cho doanh nghiệp nào thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Chính vì vậy, Quốc hội không đưa nội dung này (tên của 2 doanh nghiệp) vào trong Nghị quyết.

Trước đó, tại phiên thảo luận dự thảo Nghị quyết cơ chế và chính sách đặc thù phát triển điện hạt nhân Ninh Thuận vào sáng 17/2, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch PVN, một trong hai doanh nghiệp được Thủ tướng giao làm dự án trên, đề nghị Quốc hội cần sớm ban hành các cơ chế chính sách đặc thù nhằm giúp dự án hoàn thành đúng lộ trình vận hành năm 2030 hoặc chậm nhất năm 2031.

chu-tich-pvn(1).jpg
Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng quốc gia, phát biểu tại phiên thảo luận sáng 17/2. Ảnh: TTBC Quốc hội

Trước việc nhiều đại biểu kiến nghị về việc không nên đưa tên PVN, EVN vào chủ thể tham dự án án điện hạt nhân trong dự thảo cơ chế thí điểm chính sách đặc thù, Chủ tịch PVN cho rằng cơ chế trong Nghị quyết về điện hạt nhân dứt khoát phải có tên của các doanh nghiệp chủ thể tham gia, vì đây là việc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”.

Bởi theo Chủ tịch PVN đây là dự án siêu lớn nên nhiều cơ chế được thực hiện song song với thủ tục chuẩn bị đầu tư. "Nếu không có tên doanh nghiệp cụ thể chúng tôi sẽ không làm được, bởi sau khi được duyệt sẽ lại phải đi xin các cơ chế đó", Chủ tịch PVN nói và bày tỏ mong muốn cơ quan thẩm tra, Quốc hội chia sẻ, thống nhất cơ chế đặc thù để các tập đoàn yên tâm làm dự án này.

Yêu cầu đặc biệt với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

phoi-canh-dien-hat-nhan.jpg
Phối cảnh về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2016. Ảnh: ĐVTK

Điện hạt nhân Ninh Thuận được coi là là dự án quy mô rất lớn, lần đầu thực hiện tại Việt Nam, cũng như đòi hỏi nguồn lực lớn. Chính vì vậy, Quốc hội yêu cầu cần có cơ chế, chính sách bảo đảm phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, Chính phủ cũng phải có tổ công tác để giám sát việc thực hiện dự án.

Theo đó, chủ đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 phải gửi dự thảo hợp đồng chìa khóa trao tay xây nhà máy chính cho Kiểm toán Nhà nước. Sau đó, cơ quan kiểm toán có trách nhiệm gửi lại kết quả kiểm toán cho cấp có thẩm quyền ký hợp đồng này trong thời gian tối đa 30 ngày.

Ngoài ra, Quốc hội còn yêu cầu tổng thầu, nhà thầu ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong nước cho dự án này. Với gói thầu quốc tế, hồ sơ mời thầu cũng phải có yêu cầu về chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho đối tác Việt Nam. Việc này để từng bước giúp Việt Nam làm chủ vận hành, công nghệ trong phát triển năng lượng hạt nhân.

Mặt khác, trong trường hợp phát sinh cần điều chỉnh chủ trương đầu tư (trừ thay đổi tổng mức đầu tư), thì cơ chế đặc biệt cho dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ được ủy quyền xem xét và quyết định.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên và hai chữ số từ năm 2026.

Nhu cầu tăng trưởng điện mỗi năm là khoảng từ 12 – 14%. Trong đó, điện hạt nhân là nguồn điện sạch sẽ giúp nước ta đa dạng về nguồn cung, đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (theo cam kết tại COP26).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành kết luận số 126 về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025, trong đó giao Đảng ủy Chính phủ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, cấp ủy, tổ chức có liên quan thực hiện nhiệm vụ nêu trên; báo cáo Bộ Chính trị trong quý III/2025.
Vì sao không đưa tên hai tập đoàn được Thủ tướng giao làm dự án "quốc gia đại sự" vào Nghị quyết?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO