Vì sao chưa nới room tín dụng?

Hải Sơn | 07:04 26/08/2022

"Ngân hàng Nhà nước còn băn khoăn chuyện chưa nới room tăng trưởng tín dụng do lo ngại lạm phát và thanh khoản hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy, nếu chúng ta có thể kiểm soát giá xăng dầu thì có thể tự tin kiểm soát được lạm phát dưới 4%".

Vì sao chưa nới room tín dụng?
Ngân Hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%.

Đây là chia sẻ của TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia tại một cuộc Hội thảo mới diễn ra gần đây.

Đề cập đến thị trường bất động sản, TS. Cấn Văn Lực cho biết, thị trường bất động sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và là một trong 20 ngành kinh tế cấp 1, xếp thứ 9 về quy mô giá trị.Riêng 6 tháng đầu năm 2022, kinh doanh bất động sản đóng góp 3,32% GDP; xây dựng 5,44% GDP.

Vai trò thu hút vốn của thị trường bất động sản rất quan trọng bởi nó liên quan đến khoảng 35 lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Trong đó, 4 ngành lớn có liên quan nhiều là xây dựng (5,94% GDP), du lịch (9,2% GDP), lưu trú (3,8% GDP), tài chính – ngân hàng (5,32%) – tổng 24,3% năm 2019. Và hệ số lan tỏa của bất động sản đối với những ngành nghề này 0,5 – 1,7 lần.

Ngoài ra, bất động sản là lĩnh vực xếp thứ 2 về thu hút vốn nước ngoài, chiếm khoảng 10% FDI đăng ký mới hàng năm. Năm nay tín dụng ngân hàng chặt chẽ, trái phiếu giảm đi thì FDI là kênh cứu cánh cho thị trường. Lũy kế đến hết tháng 7/2022 vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản đạt gần 66 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng vốn FDI đăng ký.

Khi nhắc đến bất động sản là nhắc đến tứ giác liên thông ngân hàng – bảo hiểm – bất động sản – chứng khoán. Đơn cử, ngân hàng cho vay bất động sản khoảng 20%, trong khi đó, 60 – 65% tài sản thế chấp tại các ngân hàng là bất động sản.

Hiện có khoảng 30 – 40% các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, xây lắp đang nợ đọng lẫn nhau với số tiền khoảng 60.000 tỷ đồng. Trước đây họ gia hạn cho nhau 45 ngày nhưng hiện nay đã lên tới 90 ngày. Do đó, vòng quay tiền chậm đi và đây là một khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản.

Từ nay đến 2030, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 700.000 – 1 triệu tỷ đồng vốn trung dài hạn (ngoài phần vốn tín dụng ngân hàng).

Do đó, theo TS. Cấn Văn lực, cần phát triển cân bằng, hài hòa hơn thị trường tài chính; kiến tạo phát triển song vẫn kiểm soát rủi ro, tận dụng được các cơ hội mới; nắn dòng vốn chứ không làm nghẽn, quan tâm rủi ro hệ thống tài chính; chú trọng điều tiết cung – cầu bất động sản. Sớm giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trong các vụ việc vừa qua.

Những khó khăn của thị trường bất động sản đang hiện hữu, khi doanh nghiệp cần vay vốn để thực hiện dự án, tuy nhiên hầu hết các ngân hàng đang “cạn” room tín dụng. Trong nhiều cuộc họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đều khẳng định vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2022.

Lý giải nguyên nhân chưa nới room tăng trưởng tín dụng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước chưa nới room tăng trưởng tín dụng do lo ngại lạm phát và thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, không nên quá lo ngại về lạm phát mà bóp nghẹt thị trường để có thể tận dụng được cơ hội phục hồi. Khi cả thế giới đang đối mặt với lạm phát thì chúng ta đã kiểm soát được, đó là một cơ hội rất tốt.

Còn về thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện nay hoàn toàn trong khả năng kiểm soát. Tỷ lệ cho vay so với vốn lưu động trong thị trường 1 theo tính toán sơ bộ đến thời điểm hiện nay là 92%, vẫn ở mức an toàn. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn hiện nay 25,2% và ngưỡng cho phép của Ngân hàng Nhà nướcbắt đầu từ 1/10 năm nay là 34%, tức là vẫn trong tầm kiểm soát.

“Theo quan sát của chúng tôi, dòng vốn trung và dài hạn chảy vào hệ thống các ngân hàng đang mạnh hơn đặc biệt là từ tháng 6,7,8. Tỷ trọng vốn ngắn hạn và trung dài hạn hiện nay đã khác không còn ở tỷ lệ 20% - 80% như trước đây mà đã cải thiện hơn rất nhiều”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Về chuyện nới room, Theo TS. Cấn Văn Lực, nếu chờ đợi đến quý IV có thể hơi muộn và có thể sẽ mất cơ hội. Ngân hàng Nhà nước cần lưu ý đến vấn đề này và nên xem xét trong tháng tới, bởi nếu không khơi thông sớm sẽ bị mất cơ hội, tăng nợ đọng lẫn nhau cực kỳ nguy hiểm và nợ xấu ngân hàng tăng lên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Vì sao chưa nới room tín dụng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO