Vì sao Bộ Công Thương tước giấy phép kinh doanh xăng dầu của Hải Hà Petro?

Lê Sáng | 15:12 13/01/2024

Công ty Hải Hà Petro - một trong những đầu mối kinh doanh xăng dầu - bị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép do lạm dụng Quỹ bình ổn giá, nợ thuế.

Vì sao Bộ Công Thương tước giấy phép kinh doanh xăng dầu của Hải Hà Petro?
Vì sao Bộ Công Thương tước giấy phép kinh doanh xăng dầu của Hải Hà Petro?

Lạm dụng Quỹ bình ổn giá, nợ thuế

Bộ Công Thương ngày 12/1 ban hành Quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu của Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro).

Được biết, Hải Hà Petro là một trong 36 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (không gồm đơn vị đầu mối nhiên liệu bay) có trụ sở chính tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Trước đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Hải Hà Petro là một trong số 3 doanh nghiệp đầu mối sử dụng sai quỹ bình ổn, không kết chuyển về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp.

TTCP cũng kết luận Hải Hà Petro đã khai thiếu, nợ thuế bảo vệ môi trường hàng nghìn tỷ đồng. Đến cuối tháng 11/2023, số dư Quỹ bình ổn xăng dầu tại doanh nghiệp đầu mối này là 612 tỷ đồng.

Trên thị trường, Hải Hà Petro hiện có mạng lưới đại lý, cửa hàng xăng dầu tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Thái Bình.

Để tránh xáo trộn nguồn cung, thị trường sau khi Hải Hà Petro bị thu hồi giấy phép, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan này cũng yêu cầu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipec) có phương án đảm bảo nguồn cung.

"Các doanh nghiệp này sẽ chuẩn bị nguồn hàng, tăng cung ứng cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối tại những địa phương Hải Hà Petro có cây xăng, như Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội và Quảng Ninh. Việc này nhằm tránh xảy ra thiếu hụt xăng dầu thời gian tới, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2024", đại diện Vụ Thị trường trong nước thông tin với báo chí liên quan đến việc rút giấy phép của Hải Hà Petro.

Ngoài Hải Hà Petro, hai ngày trước (ngày 10/1) Bộ Công Thương cũng cho biết đang xem xét tước giấy phép của Công ty Thiên Minh Đức (Nghệ An) cũng với sai phạm tương tự liên quan Quỹ bình ổn xăng dầu, thuế.

Theo kết luận công bố đầu tháng 1, Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều đầu mối xăng dầu kê khai thiếu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế. Số thuế bảo vệ môi trường còn nợ của số doanh nghiệp này là hơn 6.320 tỷ đồng, tính tới tháng 10/2023.

Do đó, cơ quan thanh tra kiến nghị chuyển hồ sơ vi phạm của Hải Hà Petro, Thiên Minh Đức và Xuyên Việt Oil sang Bộ Công an xử lý. Trước đó, tháng 8/2023, Bộ Công Thương đã thu hồi giấy phép của Xuyên Việt Oil - một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cũng bị nêu tên tại kết luận của Thanh tra Chính phủ, vì vi phạm sử dụng Quỹ bình ổn giá, nợ thuế.

Nâng điều kiện kinh doanh để lành mạnh hóa thị trường xăng dầu

Theo các chuyên gia, một đất nước muốn phát triển bền vững phải đảm bảo năng lượng được xuyên suốt, không thể thiếu chuỗi cung ứng xăng dầu quan trọng là các doanh nghiệp bán lẻ cung ứng ra thị trường đến tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy vẫn còn không ít bất cập khiến cho thị trường kinh doanh xăng dầu thiếu minh bạch và ổn định dẫn đến tình trạng đứt gãy thị trường xăng dầu trong thời gian vừa qua.

Khuyến nghị giải pháp ổn định thị trường xăng dầu, Nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần nâng điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp đầu mối. Đơn cử, với doanh nghiệp đầu mối mới cần quy định vốn, tránh tình trạng doanh nghiệp đi thuê, mượn trang thiết bị, cơ sở vật chất.

ong-nguyen-tien-thoa.jpg
Nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa tham luận tại Tọa đàm trực tuyến “Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc” diễn ra đầu tháng 3/2023 tại Hà Nội.

Về điều hành giá, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa cần sửa thẩm quyền điều hành giá xăng dầu, giao một đầu mối là Bộ Công Thương.

Lý giải cho đề xuất trên, ông Thỏa cho rằng đến từ việc Bộ Công Thương phụ trách quy hoạch, hệ thống, hạn ngạch, chỉ tiêu, cung cầu. Cơ cấu giá có 10 yếu tố, Bộ Công Thương tính toán hết, riêng giá giao Bộ Tài chính thực hiện. Thẩm quyền định giá bán lẻ thì giao doanh nghiệp để doanh nghiệp tự tính toán, cạnh tranh với nhau.

“Đây không phải Nhà nước thả nổi mà là quản lý gián tiếp theo quy chế thị trường. Nhà nước đưa ra quy định rõ ràng, cơ chế tính giá minh bạch, chỉ can thiệp khi bình ổn giá và thực hiện hậu kiểm” - ông Nguyễn Tiến Thỏa nêu quan điểm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Vì sao Bộ Công Thương tước giấy phép kinh doanh xăng dầu của Hải Hà Petro?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO