Theo đó, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) và Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI đã giảm 1,2 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều xuống còn 82,6 – 85,1 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), chênh lệch giá giữa chiều mua và bán là 2,5 triệu đồng/lượng.
Công ty Bảo Tín Minh Châu mặc dù đã giảm 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều với vàng miếng SJC nhưng vẫn niêm yết mặt hàng này ở vùng giá cao hơn các nhà vàng khác là 83,8 -86,3 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Vàng miếng SJC tại Tập đoàn Phú Quý giao dịch ở mức 82,6 – 85,1 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 900 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với kết phiên giao dịch trước.
Với vàng nhẫn tròn trơn, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) ghi nhận giảm 700 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và 400 nghìn đồng/lượng chiều bán ra với mặt hàng vàng nhẫn SJC loại 1-5 chỉ. Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn hiện giao dịch mặt hàng này ở mức 82,6 -84,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng nhẫn tròn Hưng Thịnh Vượng 9999 ở mức 83,5 – 84,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 150 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với kết phiên hôm qua.
Tại Tập đoàn Phú Quý, nhà vàng này hiện giao dịch vàng nhẫn Phú Quý 999.9 ở vùng giá 83,4 – 84,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), mức giá này không thay đổi so với kết phiên trước.
Tương tự với vàng nhẫn tròn trơn hiệu vàng Rồng Thăng Long thuộc Bảo Tín Minh Châu, giá mua vào được niêm yết ở mốc 83,68 triệu đồng/lượng, giá bán ra 85,43 triệu đồng/lượng, đứng giá so với phiên giao dịch trước.
Trên thị trường vàng quốc tế, giá vàng thế giới trong sáng nay ghi nhận ở mức 2.653,1 USD/ounce. Nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa bao gồm thuế, phí, giá vàng thế giới hiện có giá trị 81,6 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 3,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng liên tục lao dốc do sự hồi phục của đồng USD trong tuần qua. Trong tuần trước, loạt ngân hàng trung ương lớn đã có những bước đi đáng chú ý trong lộ trình cắt giảm lãi suất. Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) đã giảm lãi suất từ 1,0% xuống còn 0,5%. Đây là mức giảm mạnh nhất trong gần một thập kỷ trong bối cảnh áp lực lạm phát cơ bản đã giảm trở lại trong quý này với lạm phát hàng năm giảm và vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu 0-2% của SNB. Cùng đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Tuần này, các quyết định lãi suất từ các ngân hàng trung ương lớn như Fed, BoE (Anh) và BoJ (Nhật Bản) sẽ là tâm điểm chú ý của thị trường. Trong đó, giới đầu tư đặt cược nhiều nhất vào khả năng Fed sẽ giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) được kỳ vọng giữ nguyên lãi suất sau đợt cắt giảm vào tháng 11, trong khi Ngân hàng Trung ương Thụy Điển và Na Uy cũng chuẩn bị công bố chính sách lãi suất.
Ở châu Á, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ họp ngay sau Fed. Dù thị trường kỳ vọng BoJ giữ nguyên lãi suất, theo nhiều chuyên gia, áp lực từ lạm phát gia tăng có thể khiến ngân hàng trung ương này điều chỉnh hướng đi.