Có thời gian vàng từng được cho là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn. Vàng có xu hướng tăng giá khi các tài sản khác giảm, tuy nhiên, bất chấp sức hấp dẫn và sự phổ biến của nó, việc giữ vàng không phải là một động thái đầu tư khôn ngoan - đặc biệt sau khi nó đã tăng giá mạnh trong thời gian gần đây.
Vàng không phải là nơi trú ẩn an toàn
Một tài sản trú ẩn an toàn là tài sản giữ giá trị của nó - hoặc tăng giá - ngay cả trong thời kỳ bất ổn. Vàng thường tăng giá khi nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn cũng như trong thời kỳ đồng USD suy yếu, vì kim loại quý này được định giá bằng USD. Điều này có thể giải thích cho sự tăng giá vàng gần đây. Tuy nhiên vàng không phải lúc nào cũng đáp ứng được vai trò tài sản trú ẩn. Bởi vì, mặc dù vàng đôi khi (nhưng không phải lúc nào cũng vậy) tăng giá trong thời kỳ suy thoái, nhưng nó có xu hướng mất những lợi nhuận đó trong thời kỳ kinh tế tốt hơn và đem lại thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư.
Trong lịch sử, diễn biến của giá vàng đi kèm với những biến động lớn, chính điều đó khiến cho vàng trở thành một khoản đầu tư đầy rủi ro và do đó không phải là một tài sản trú ẩn an toàn. Cụ thể, vào năm 1971, Hệ thống Bretton Woods chính thức chấm dứt, cho phép đồng USD thả nổi tự do, kết thúc tỷ giá cố định giữa vàng và USD. Giai đoạn này cũng là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng lạm phát đình trệ ở Mỹ, đặc trưng bởi lạm phát cao, tăng trưởng kinh tế thấp và thất nghiệp cao. Tất cả điều này đã dẫn đến sự tăng vọt giá vàng vào những năm 1970, đạt mức cao kỷ lục khoảng 665 USD vào tháng 1/1980.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ và đồng USD, vàng chạm đáy khoảng 253 USD/ounce vào năm 1999, làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này. Giá vàng cũng giảm do cung vượt cầu trên thị trường, khi một số ngân hàng trung ương bán dự trữ vàng của họ để huy động vốn và đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Cuộc Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2011 đã kích hoạt sự tìm kiếm nơi trú ẩn và đẩy nhu cầu vàng lên cao. Giá vàng tăng từ khoảng 730 USD vào tháng 10/2008 lên 1.300 USD vào tháng 10/2010. Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu 2010 - 2012 cũng đã làm dấy lên lo ngại về sự ổn định của khu vực đồng euro và nền kinh tế toàn cầu. Giá vàng đạt mức cao kỷ lục mới khoảng 1.825 USD vào tháng 8/2011.
Nhưng đến 2013 – 2014, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) cắt giảm chính sách nới lỏng định lượng đã báo hiệu sự bình thường hóa của chính sách tiền tệ và củng cố giá trị đồng USD. Giá vàng theo đó đã giảm 29% từ 1.695 USD vào tháng 1/2013 xuống còn 1.200 USD vào tháng 12/2014.
Đại dịch COVID-19 giai đoạn 2020 - 2021 gây ra những gián đoạn kinh tế và xã hội chưa từng có và những bất ổn khiến giá vàng tăng vọt 27% từ 1.575 USD vào tháng 1/2020 lên hơn 2.000 USD vào mùa hè năm 2020. Sau đỉnh điểm của đại dịch, giá vàng giảm nhanh chóng và giao dịch trong khoảng 1.700 - 1.900 USD trước khi tăng lên 2.135 USD. Sau đó, nó giảm xuống quanh mức 2.000 USD.
Vào tháng 5/2024, giá vàng tăng vọt lên mức cao kỷ lục mới trên 2.450 USD/ounce, được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng từ Trung Quốc và những lo ngại kéo dài về lạm phát. Tuy nhiên ngày 7/6, ngay khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thông báo không mua bất kỳ loại vàng nào trong tháng 5, giá vàng đã lao dốc và giao dịch quanh mức 2340 USD/ounce.
Như vậy vàng đem lại nhiều rủi ro và thiệt hại cho các nhà đầu tư và người nắm giữ do sự biến động lớn về giá – điều đó không đáp ứng yêu cầu mà một tài sản trú ẩn nên có. Mặc dù, một số ý kiến cho rằng, vàng có thể là một nơi trú ẩn an toàn bảo vệ khỏi tác động ăn mòn của lạm phát. Nhưng trên thực tế, vàng có thể không bảo vệ bạn khỏi những hình thức lạm phát tồi tệ nhất và không có sự đảm bảo rằng nó sẽ tăng giá trị. Các số liệu thống kê cũng cho thấy nếu tính theo lạm phát, giá vàng đã giảm 83% trong giai đoạn 1980 - 2001.
Theo nhiều chuyên gia, giá trị của vàng, phần lớn, dựa trên sự sợ hãi. Nhà đầu tư mua nó khi họ nghĩ rằng tiền tệ đang bất ổn hoặc toàn bộ nền kinh tế đang lung lay. Nhưng kể từ vụ sụp đổ thảm khốc năm 2008 – với Châu Âu và Hoa Kỳ đang vật lộn để phục hồi – vàng đã là một khoản đầu tư kém. Đặc biệt, trong môi trường lạm phát thấp như hiện nay, vàng và các kim loại quý khác sẽ không giúp ích nhiều cho các nhà đầu tư. Và nếu lý do chính để chọn vàng là để bảo vệ khỏi lạm phát, thì thời điểm hiện nay rõ ràng không phải là lúc để đầu tư vàng – bởi hiện tại, giảm phát là nguy cơ lớn hơn đối với kinh tế thế giới so với lạm phát mạnh.
Vàng bị chi phối bởi đầu cơ
Khác với các tài sản khác, giá của vàng bị chi phối bởi yếu tố tâm lý hơn là các yếu tố cơ bản. Nếu như giá cổ phiếu có thể dao động vì nhiều lý do trong một thời gian ngắn, nhưng cuối cùng thì các yếu tố cơ bản mới quyết định. Trong dài hạn, sự thành công của một doanh nghiệp sẽ được xác định bởi các yếu tố cơ bản như lợi nhuận, lợi tức trên vốn đầu tư. Trong khi đó, vàng không thể có được điều này. Bởi vàng không có lãi suất hay cổ tức hoặc tạo ra lợi nhuận, giá của nó chỉ được xác định bởi tâm lý của nhà đầu tư. Nếu nó được ưa chuộng, giá tăng, nếu không được ưa chuộng, giá giảm.
Một yếu tố chính ảnh hưởng đến giá vàng là cung và cầu, cũng như hành vi của nhà đầu tư. Khi thị trường trở nên hỗn loạn và lãi suất tăng, các nhà đầu tư thận trọng thường tìm đến vàng như là tài sản trú ẩn được ưa chuộng nhất, điều này đã đẩy giá vàng lên cao. Mặc dù có thể đoán được xu hướng của giá vàng trong ngắn hạn, nhưng điều này là đầu cơ chứ không phải là đầu tư. Nếu nhìn vào thực tế lịch sử việc đầu tư các tài sản tài chính khác trên các thị trường toàn cầu có thể thấy rằng việc đầu tư dựa trên các yếu tố cơ bản có xu hướng mang lại lợi nhuận cao hơn so với nắm giữ vàng.
Nếu như các sản phẩm tài chính khác có thể tạo ra các khoản thu nhập ổn định thông qua lãi suất, cổ tức - có thể dùng tái đầu tư hoặc rút ra để chi tiêu, việc đầu tư vào vàng vật chất hay các quỹ ETF vàng thì vàng chỉ được lưu giữ và không mang lại thu nhập. Người đầu tư vàng chỉ kỳ vọng có lợi nhuận khi người khác chấp nhận mua lại cao hơn với giá họ đã mua.
Ngoài ra, đầu tư vào vàng có nghĩa là tiền của bạn bị ràng buộc vào một tài sản không sinh lợi. Vàng không phát triển hoặc thay đổi; một lượng vàng hôm nay vẫn sẽ là một lượng vàng trong năm, mười năm nữa. Trong khi đó những khoản tiền để mua vàng đó có thể tạo ra lợi nhuận cao hơn nếu được đầu tư vào các lĩnh vực khác. Đây chính là vấn đề kinh điển của chi phí cơ hội.
Việc đầu tư vàng cũng đi kèm các chi phí như mua bảo hiểm, thuê két an toàn. Những chi phí này sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng đầu tư vàng. Mặc dù vàng là một tài sản có thanh khoản tương đối tốt, tùy thuộc vào hình thức mà nó được sở hữu. Vàng thường có thể được dễ dàng bán lại cho người bán ban đầu. Tuy nhiên, giá mua lại thông thường sẽ thấp hơn đáng kể so với giá bán ra, đồng nghĩa với việc người đầu tư hay sở hữu vàng luôn có nguy cơ thiệt hại nếu giá vàng không tăng đủ để bù đắp chênh lệch mua – bán.
Những người ủng hộ vàng thường gieo rắc tâm lý không chắc chắn về triển vọng. Mặc dù có thể những lý do lo ngại cho điều đó, nhưng thực tế đang diễn ra ngược lại. Các nền kinh tế lớn trên thế giới như Hoa Kỳ và Châu Âu vẫn đang phục hồi, trong khi các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cũng cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Điều đó thêm một lần nữa nói lên việc đầu tư vàng thời điểm hiện nay không mang lại lợi ích nhưng rủi ro luôn hiện hữu.