Không để "vàng hóa" nền kinh tế, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô

PV | 16:57 13/06/2024

“Tôi đánh giá cao điều hành của NHNN trong thời gian vừa qua trong việc kiểm soát giá vàng. Tôi thấy thành công 2 điểm: kéo giá vàng xuống, thể hiện sức mạnh của nhà nước, không để cho một nhóm nào điều hành lũng đoạn được”, đó là khẳng định của GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khoá XV, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Không để "vàng hóa" nền kinh tế, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, mục tiêu đặt ra khi quản lý thị trường vàng là làm sao để vàng không ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, không ảnh hưởng tới tỷ giá. Nghĩa là làm cho vàng kém hấp dẫn đi, không cho dùng vàng làm phương tiện thanh toán, để người dân bán vàng ra, lấy tiền đưa vào sản xuất kinh doanh. Trực tiếp hay gián tiếp đều phải phục vụ cho kinh tế đất nước.

Tại Nghị quyết ngày 5/6, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý thị trường vàng, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, minh bạch…"Không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô", Nghị quyết nêu.

Vàng hóa nền kinh tế là hiện tượng kim loại quý lấn át hoặc thay thế đồng tiền trong nước, được sử dụng rộng rãi như một loại tiền tệ. Hơn 10 năm trước, tình trạng này xảy ra, tạo sức hút lớn với nhà đầu tư, người dân. Vàng trở thành nơi "làm ăn" của giới đầu cơ. Trong khi, người dân có thói quen quy đổi giá trị của một vật ra số vàng tương ứng, như một chiếc xe bằng 10 lượng. Năm 2012, Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng được ban hành, giúp cân bằng cung - cầu, ổn định thị trường.

Đề cập đến vấn đề này TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vấn đề vàng hóa, trong 10 năm vừa qua, NHNN và Chính phủ thành công trong việc chống vàng hóa ở một mức độ nào đó. Người dân hiện nay không còn dùng vàng như đơn vị để thanh toán. Các ngân hàng không huy động vàng, không cho vay vàng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu dẫn chứng, lấy một mô hình trên thế giới để thấy quốc gia nào không có vàng hóa: Mỹ. Nước Mỹ họ cũng bán vàng vật chất và vàng trang sức nhưng bên cạnh vàng vật chất và vàng trang sức, thị trường chứng khoán của Mỹ có những sản phẩm để đầu tư vào vàng, chứng khoán trong những công ty. “Người ta đầu tư vào chứng khoán vàng, người dân ở Mỹ không mua vàng, họ mua là mua mấy đồng coin thôi. Ở Việt Nam rất lạ là những ngày vừa rồi chưa có gia đình nào bị cướp vàng. Ở Mỹ thì sợ mang vàng về nhà bị cướp, nên họ không bao giờ giữ vàng ở nhà, và họ phải mua bảo hiểm vàng”, TS. Hiếu nói.

“Ở Việt Nam vàng vẫn luôn luôn là một cái gì đó chưa xóa được trong văn hóa của mình, chính vì vậy đã tạo ra những biến động rất lớn”, TS. Hiếu chia sẻ.

Cùng quan điểm với trên, theo TS Trương Văn Phước, có thể nói, trong hơn 12 năm qua, Nghị định 24 đã có đóng góp quan trọng cùng với các chính sách như là không cho các TCTD huy động vàng, không cho các giao dịch vàng qua các sàn…, chúng ta chứng kiến tập quán của người dân Việt Nam đã thay đổi nhiều. Vàng không là phương tiện trao đổi, định giá, thậm chí không còn là phương tiện cất giữ tài sản nữa.

Trong Nghị định 24, do SJC chiếm số lượng lớn, NHNN muốn việc chế biến gia công đó phải sử dụng nguồn nguyên liệu chủ động từ NHNN.

Tôi cho rằng, đó là hướng tiếp cận chính sách đúng trong 10 năm qua. Sắp tới, tôi nghĩ việc giá cả bao nhiêu sẽ để thị trường quyết định. Tuy nhiên, NHNN với tư cách nắm giữ dự trữ ngoại hối quốc gia, mà vàng là tài sản có nguyên liệu do thị trường quốc tế quyết định nên NHNN nên giữ lấy quyền xuất nhập khẩu vàng. Còn việc chế biến gia công nên trao lại cho doanh nghiệp hoặc TCTD có điều kiện.

“Như vậy chúng ta sẽ chứng kiến sự điều tiết của thị trường vàng theo quy luật cung cầu và giá cả chắc chắn sẽ không có sự chênh lệch như thời gian vừa qua, dĩ nhiên đó là một cách nghĩ góc nhìn riêng của tôi. Dần dần người dân sẽ rời xa vàng vật chất”, TS. Phước nói.

Về phía người dân, TS Trương Văn Phước có lời khuyên là nên thận trọng, nên mua ít, nếu mua nhiều mà giá xuống nhiều thì chúng ta phải gánh những khoản lỗ do chính công sức chúng ta tạo ra.

“Việc cung ứng vàng ra thị trường của NHNN là một nỗ lực của Chính phủ là kéo giá vàng xuống. Bên cạnh vàng, Chính phủ hay NHNN còn phải cân đối với bao nhiêu mặt hàng khác rất thiết yếu cho đời sống của người dân. Nếu một hôm không cầm 1 lượng vàng thì chắc chắn chúng ta vẫn sống, nhưng nếu một hôm chúng ta không có xăng dầu, không có phân bón, gạo, nhu yếu phẩm thì sẽ thế nào… Cho nên cũng cần phải thông cảm rằng, việc NHNN cung ứng một lượng vàng để đáp ứng cho người dân như vậy là tốt”, TS Trương Văn Phước nhấn mạnh.


(0) Bình luận
Không để "vàng hóa" nền kinh tế, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO