Vàng có dễ bị ‘tổn thương’ khi ở mức giá cao kỷ lục?

Vũ Ngọc Diệp | 07:54 09/04/2024

Giá vàng tiếp tục chuỗi những kỷ lục cao mới nối tiếp nhau trong bối cảnh dữ liệu kinh tế Mỹ lạc quan. Liệu kim loại này có dễ bị ‘tổn thương’ khi tăng quá nhanh và quá nhiều như hiện nay hay không và liệu giá bạc có luôn tăng song song với vàng hay không?

Vàng có dễ bị ‘tổn thương’ khi ở mức giá cao kỷ lục?

Giá vàng hôm thứ Hai (8/4) đạt mức cao nhất mới chưa từng có trong lịch sử, kéo dài chuỗi những kỷ lục cao, sau những dữ liệu cho thấy kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh và căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Giá vàng giao ngay đã tăng lên mức 3.353 USD/ounce lúc đầu phiên, vàng kỳ hạn tháng 6/2024 đạt 2.358,40 USD. Xu hướng tăng đã kéo dài suốt mấy tuần gần đây.

Đối với một số nhà phân tích phố Wall, sức mạnh của giá vàng dự kiến sẽ tiếp tục cho đến ít nhất là nửa cuối năm nay. Ngân hàng Citi trước đây đã mô tả tài sản này như một “hàng rào chống suy thoái kinh tế” ở thị trường phát triển, trong khi những người khác cho rằng các cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và Dải Gaza có thể hỗ trợ thêm cho xu hướng tăng.

Nhưng không phải ai cũng tin rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng.

Bob Parker, cố vấn cấp cao tại International Capital Markets Association (Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế) cho biết: “Tôi nghĩ có hai yếu tố”. “Yếu tố số một mà tôi gọi là hiệu ứng bắt kịp, theo đó, nếu bạn nhìn vào tỷ lệ thực sự của vàng so với thị trường chứng khoán toàn cầu vào năm ngoái và đầu năm nay, vàng đã hoạt động kém hiệu quả hơn.”

“Vì vậy, có hiệu ứng bắt kịp đó. Các nhà đầu tư đang xem xét sự kém hiệu quả của vàng và do đó tăng cường tiếp cận với vàng. Liên quan đến điều đó thực sự là mối tương quan giữa vàng và bitcoin – và người ta có thể tranh luận về việc liệu điều đó có ý nghĩa hay không – nhưng thực tế là có mối tương quan giữa bitcoin và vàng”. “Yếu tố khác, rất khó để có được dữ liệu, là đã có một số ngân hàng trung ương mua vào, đặc biệt là từ các ngân hàng trung ương châu Á, khi họ tăng phân bổ tài sản dự trữ sang vàng.”

Vào lúc này, điều thậm chí còn thú vị hơn là phản ứng mà chúng ta đang thấy ở các kim loại quý khác, đặc biệt là bạc, cuối cùng cũng bắt đầu bắt kịp vàng.

Vàng, vốn thường được coi là tài sản “trú ẩn an toàn” vào thời điểm tài chính bất ổn, đã tăng giá bất chấp lãi suất cao và đồng đô la Mỹ tương đối mạnh.

Nhìn về tương lai, ông Parker cho biết các nguyên tắc cơ bản của vàng dường như vẽ ra một bức tranh giảm giá. Đó là sự tác động từ các yếu tố: sức mạnh của đồng đô la Mỹ, lãi suất trái phiếu tăng, nghi ngờ về kế hoạch cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và lạm phát thấp “hợp lý”.

Ông Parker nói: “Thành thật mà nói, tất cả những yếu tố đó cho thấy có rất ít khả năng vàng sẽ tiếp tục tăng giá, và tôi nghĩ vàng hiện rất dễ bị ‘tổn thương’ trước một đợt giảm giá”.

Những người tham gia thị trường đang theo dõi chặt chẽ những bình luận từ các quan chức Fed về số lần giảm lãi suất dự kiến có thể diễn ra trong năm nay.

Đúng như dự đoán, ngân hàng trung ương Mỹ trong cuộc họp vào tháng trước đã giữ lãi suất ổn định lần thứ năm liên tiếp, theo đó lãi suất vay qua đêm ở mức 5,25% -5,5%. Fed cũng báo hiệu rằng họ vẫn dự kiến sẽ cắt giảm 3/4 điểm phần trăm lãi suất vào cuối năm 2024.

Nhưng kể từ sau cuộc họp đó, các quan chức Fed phát tín hiệu có thể sẽ chưa cắt giảm lãi suất nếu lạm phát vẫn ở mức cao và số việc làm được tạo ra trong tháng 3 cao hơn kỳ vọng, nghĩa là có khả năng họ sẽ trì hoãn việc cắt giảm lãi suất dự kiến ​​của Fed trong năm nay.

Bạc có thể lấn át vàng?

Edmund Shing, giám đốc đầu tư tại BNP Paribas Wealth Management, cho biết: “Chúng tôi đã rất lạc quan về kim loại quý trong một thời gian nên rõ ràng việc tăng giá thật là tuyệt vời. Nhưng ngay cả chúng tôi cũng hơi bối rối về sức mạnh của vàng”. “Điều thú vị về vàng và tôi nghĩ rất đáng khích lệ trong trung hạn là động lực đẩy giá tăng đã hoàn toàn thoát khỏi mối tương quan truyền thống của nó với lãi suất thực và với đồng đô la Mỹ.”

Giá bạc còn nhiều dư địa để tăng thêm nữa.

Về vàng, ông Shing nói rằng kim loại này dường như đang nhận được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư “nhìn xa hơn về phía trước” đối với các vấn đề như nợ duy trì. Giống như ông Parker, ông Shing cũng nhấn mạnh vai trò của nhu cầu từ các ngân hàng trung ương trong việc thúc đẩy giá vàng.

“Đừng quên, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, và ngân hàng trung ương của các thị trường mới nổi, đã tích lũy vàng khá đều đặn,” ông Shing nói.

“Điều thậm chí còn thú vị hơn là phản ứng mà chúng ta đang thấy ở các kim loại quý khác, đặc biệt là bạc, cuối cùng cũng bắt đầu bắt kịp. Nhưng nó vẫn còn rất xa so với mức cao nhất mọi thời đại là 50 USD/ounce đạt được vào năm 2011”. Đã có nhiều nhà phân tích từng dự báo bạc có thể sẽ tăng giá vượt trội so với vàng trong nửa cuối năm 2024.

Giá vàng và bạc theo truyền thống có mối tương quan rất cao, mặc dù bạc đôi khi người ta mô tả là “người anh em họ nghèo khó hơn” của vàng.

Tham khảo: Cnbc

Bài liên quan

(0) Bình luận
Vàng có dễ bị ‘tổn thương’ khi ở mức giá cao kỷ lục?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO