Vẫn tiềm ẩn các yếu tố có khả năng làm tăng CPI

Nhật Đức | 07:40 05/10/2022

Kinh tế của Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi rõ nét, điều này được phản ánh qua tăng trưởng GDP quý III đạt 13,67%. Tuy nhiên, do nhu cầu hàng hóa và các hoạt động dịch vụ trong nhân dân dịp cuối năm cũng sẽ tăng cao, có thể đẩy giá cả hàng hóa lên cao và tạo nên áp lực lạm phát.

Vẫn tiềm ẩn các yếu tố có khả năng làm tăng CPI
Giá hàng hoá tăng cao vào cuối năm nguy cơ sẽ gây áp lực lạm phát cuối năm 2022. (Ảnh: Int)

Mới đây, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ này tham mưu cho Chính phủ đưa ra các kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý IV/2022cũng như cả năm 2022.

Theo đó, kịch bản thấp là phương án gặp nhiều khó khăn cả năm tăng trưởng GDP đạt 7,5% khi mà dự kiến trong quý IV vẫn còn nhiều khó khăn, khó đoán định.

Kịch bản thứ hai là trong bối cảnh diễn biến như hiện nay, không có đột biến, thuận lợi đối với nền kinh tế Việt Nam từ bên ngoài, dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2022 khoảng 8%.

Về triển vọng kinh tế, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định, năm 2023 vẫn còn khó khăn, thách thức, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn thì nhiều hơn. Nguyên nhân là do sức ép lạm phát và tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2023 là vô cùng khó khăn.

“Có thể nói rằng vấn đề lạm phát toàn cầu, đặc biệt là lạm phát của các nền kinh tế lớn, các đối tác của Việt Nam khó có thể kết thúc trong 1 - 2 tháng tới và có thể kéo dài thêm và chắc chắn sẽ sang năm 2023”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, mặc dù nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ lạm phát thấp, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiềm ẩn các yếu tố có khả năng làm tăng CPI trong thời gian tới.

Một trong những yếu tố phải kể đến như giá nguyên vật liệu đang ở mức cao, Việt Nam là nước vẫn đang nhập khẩu phần lớn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp, đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Đồng thời, giá USD tăng sẽ làm tăng thêm chi phí để nhập khẩu nguyên vật liệu gây ra sức ép lên mặt bằng giá trong nước.

Có thể thấy kinh tế của Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi rất rõ nét, điều này được phản ánh qua tăng trưởng GDP quý III đạt 13,67% và sẽ tiếp tục phục hồi trong những tháng cuối năm. Do vậy, nhu cầu hàng hóa và các hoạt động dịch vụ trong nhân dân dịp cuối năm cũng sẽ tăng cao, đây là những yếu tố có thể đẩy giá cả hàng hóa lên cao và tạo nên áp lực lạm phát.

Một nguyên nhân khác có thể dẫn đến lạm phát đến từ hoạt động đẩy mạnh đầu tư vốn đầu tư công vào các tháng cuối năm cũng có thể làm tăng giá các mặt hàng vật liệu xây dựng, qua đó ảnh hưởng đến giá cả của các hàng hóa khác. Hiện giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 9 tháng tăng 7,88% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.

Ngoài ra, điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng lên chỉ số giá tiêu dùng. Tháng 9 năm nay bắt đầu vào năm học mới 2022-2023, thực hiện miễn giảm học phí của nhiều địa phương trong năm học 2021-2022 đã kết thúc.

Đồng thời, một số địa phương thực hiện tăng học phí theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân đã khiến cho chỉ số giá dịch vụ giáo dục tháng 9 năm nay tăng tới 8,9% so với cùng kỳ năm trước và sẽ tiếp tục tác động đến những tháng tiếp theo của năm học 2022-2023.

“Ngoài ra, dịch vụ y tế nếu được điều chỉnh giá theo lộ trình cũng sẽ tác động tới CPI trong thời gian tới”, bà Oanh nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Vẫn tiềm ẩn các yếu tố có khả năng làm tăng CPI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO