Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng

Nguyên Trang | 14:09 05/06/2023

Trong chương trình kỳ họp thứ 5 của Chính phủ được tổ chức vào sáng ngày 5/6, liên quan đến thẩm tra về dự án luật, Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng.

Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng
Toàn cảnh kỳ họp thứ 5 của Chính phủ được tổ chức vào sáng ngày 5/6.

Cụ thể, sau khi nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng Thừa ủy quyền của Thủ tướng chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) (Luật Các TCTD), Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Các TCTD.

Cụ thể, sửa đổi Luật Các TCTD nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 12 năm thi hành Luật Các TCTD.

Luật Các TCTD năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2017 bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng; Tăng cường sự an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống các TCTD; Tạo cơ chế xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các TCTD.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, trong đó rà soát, hoàn thiện Báo cáo tổng kết việc thi hành Luật Các TCTD, Báo cáo đánh giá tác động chính sách; Bổ sung thêm bảng so sánh Luật Các TCTD hiện hành và dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) kèm theo thuyết minh lý do từng nội dung sửa đổi.

Ủy ban Kinh tế khẳng định, hồ sơ dự án Luật đã được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị khá công phu, đầy đủ danh mục theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các chính sách thể hiện trong dự thảo Luật cơ bản thống nhất với chính sách đề nghị xây dựng Luật tại Hồ sơ kèm theo Tờ trình số 47/TTr-CP ngày 28/2/2023 của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Tuy nhiên, hồ sơ dự án Luật chưa bảo đảm gửi đúng thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn đến hạn chế cho cơ quan thẩm tra và các đại biểu Quốc hội trong việc nghiên cứu, xem xét thấu đáo các nội dung có liên quan.

Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật Các TCTD, bảo đảm đầy đủ nội dung giao Chính phủ, giao NHNN quy định; Đồngthời, nghiên cứu cụ thể hóa tối đa tại Luật những nội dung đã rõ, đã được kiểm nghiệm và thực hiện ổn định, hiệu quả trên thực tế, phù hợp với nguyên tắc quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Được biết, dự thảo Luật gồm 13 chương, 195 điều. Trong đó, giữ nguyên 48 điều, sửa đổi, bổ sung 144 điều và bổ sung mới 10 điều so với Luật Các TCTD hiện hành.

Có ý kiến đề nghị cần bố cục lại một số chương, mục cho hợp lý hơn như chuyển Chương XI (Xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu) lên trước Chương VII (Tài chính, hạch toán, báo cáo) do việc xử lý nợ xấu là một trong các hoạt động thông thường của các TCTD.

Cũng có ý kiến cho rằng các hành vi bị nghiêm cấm được quy định rải rác tại các điều trong dự thảo Luật, đề nghị cân nhắc quy định chung 1 Điều về “Các hành vi bị nghiêm cấm” tương tự như quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm; trong đó nghiên cứu bổ sung một số hành vi như: Nhờ người khác đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỉ lệ sở hữu cổ phần nhằm chi phối, kiểm soát tại một TCTD,…

Thông qua những ý kiến đóng góp, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát dự thảo Luật với quy định tại các luật liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính khả thi, khắc phục tối đa những vướng mắc trong áp dụng, triển khai thực hiện quy định của Luật.

Ngoài ra, đề nghị tiếp tục rà soát các quy định có liên quan tại các FTA khác như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA),… để bảo đảm sự tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO