USD, vàng và Bitcoin lao dốc khi chờ đợi dữ liệu CPI, đồng crown Thụy Điển tăng vọt

Vân Chi | 09:14 10/02/2023

Đồng USD giảm so với hầu hết các đồng tiền lớn khác trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng giảm bởi các nhà đầu tư kiên định với quan điểm rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không cần tăng lãi suất nữa khi lạm phát bắt đầu được kiểm soát.

USD, vàng và Bitcoin lao dốc khi chờ đợi dữ liệu CPI, đồng crown Thụy Điển tăng vọt

Mặc dù các quan chức Fed đến nay vẫn khẳng định sự cần thiết phải duy trì việc tăng lãi suất hơn nữa để chống lạm phát cao, song thị trường cho rằng lãi suất của Mỹ sắp quay đầu giảm.

Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ cao hơn dự kiến càng làm gây thêm áp lực giảm gí lên đồng USD, bởi điều đó cho thấy thị trường lao động Mỹ bắt đầu suy yếu yếu – điều có thể giúp giảm lạm phát.

Dữ liệu từ Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của nước này đã tăng 13.000 lên mức 196.000 trong tuần kết thúc vào ngày 4/2 (số liệu được điều chỉnh theo mùa). Con số này cao hơn chút ít với mức 190.000 mà các nhà kinh tế dự đoán trong cuộc khảo sát của Reuters.

"Nhiều nhà đầu tư đã chờ đợi trước khi bán mạnh USD ra. Chủ tịch Fed Jerome Powell và các quan chức khác của Fed trong những lời phát biểu của mình đã có thái độ mềm mỏng hơn khi vẫn lặp lại rủi ro giá cả gia tăng, song không báo hiệu bất cứ điều gì", Vassili Serebriakov, chiến lược gia ngoại hối của ngân hàng UBS ở New York cho biết, đề cập đến mức lãi suất đỉnh của Fed.

Ông Powell hôm thứ Ba (7/2) đã nói rằng quá trình giảm lạm phát đã bắt đầu.

"Các nhà đầu tư vẫn do dự khi quay trở lại vị thế bán khống đồng đô la trước báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI. Rất nhiều người chờ đợi dữ liệu CPI của Mỹ để xem câu chuyện giảm lạm phát của ông Powell có đúng hay không", ông Serebriakov nói.

Các nhà phân tích dự đoán ngày Lễ Tình nhân có thể sẽ là thời điểm những người đầu cơ giá USD xuống thất vọng nếu dữ liệu lạm phát Mỹ công bố vào hôm đó (14/2) cho thấy giá cả ở nước này cao hơn dự kiến. CPI cao hơn dự báo sẽ thúc đẩy USD mạnh lên và có thể khiến Fed nâng lãi suất chính sách lên 5,25-5,50% hoặc cao hơn nữa trong năm nay.

Kết quả thăm dò của Reuters cho thấy các nhà phân tích dự báo CPI của nước này tháng 1/2023 sẽ tăng 0,5%, sau khi giảm lần đầu tiên sau hơn 2,5 năm vào tháng 12. CPI cơ bản được dự báo tăng 0,4% so với tháng liền trước.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 9/2 theo giờ Việt Nam đã giảm 0,7% xuống 102,74.

Đồng euro EUR, thành phần lớn nhất trong chỉ số Dollar index, tăng 0,6% lên 1,078 USD, trong khi đồng bảng Anh tăng 0,9% lên 1,2179 USD. Cả 2 loại tiền này đều tăng giá bởi tâm lý chuộng tài sản rủi ro trên các thị trường được cải thiện.

Đồng crown của Thụy Điển phiên vừa qua tăng vọt sau khi ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất đồng thời dự báo các đợt tăng tiếp theo và cho biết họ muốn đồng tiền của họ mạnh hơn để giảm lạm phát, làm tăng thêm xu hướng giảm giá của đồng USD.

Đồng USD phiên vừa qua đã giảm 2% so với đồng crown Thụy Điển, xuống 10,31 crown/đô la, trong khi euro cũng giảm 2% so với đồng crown, xuống 11,11 crown/euro, tương đương giảm 7% trong phiên này – mức giảm trong một ngày nhiều nhất kể từ năm 2009, sau khi Riksbank tăng lãi suất cơ bản thêm 50 điểm cơ bản lên 3%, và dự báo sẽ tăng mạnh hơn nữa vào mùa xuân.

Đồng đô la Úc - được coi là đại diện cho các tài sản rủi ro - đã tăng 0,8% lên 0,6973 USD trong khi cổ phiếu và các tài sản được gọi là "thân thiện với rủi ro" khác cùng tăng giá, được hỗ trợ bởi dữ liệu từ cho thấy thu nhập thu nhập của các công ty tăng mạnh.

Đồng USD giảm 0,4% so với yen Nhật xuống 130,92 JPY. Đài truyền hình TBS hôm thứ Năm đưa tin Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch giới thiệu ứng cử viên Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản mới trước quốc hội vào ngày 14/2. Các thị trường đang theo dõi chặt chẽ việc bổ nhiệm này, vì chương trình nghị sự của Thống đốc mới sẽ được xem xét kỹ lưỡng về việc ngân hàng trung ương Nhật Bản có thể loại bỏ gói kích thích lớn nhanh như thế nào.

Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.

Đồng rouble của Nga giảm xuống mức yếu nhất so với đồng đô la kể từ cuối tháng 4 năm ngoái, do nhu cầu ngoại tệ trên thị trường gia tăng và thu nhập từ xuất khẩu của Nga giảm.

Kết thúc phiên 9/2, rouble giảm 0,8% so với đồng USD, xuống 72,83 RUB/USD, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 27/4/2022, là 73,3850 RUB vào đầu phiên giao dịch.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng nhẹ do các dấu hiệu thắt chặt trên thị trường tiền tệ và kỳ vọng rằng dữ liệu sẽ cho thấy tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc mạnh mẽ.

Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ mở cửa ở mức 6,7922 CNY/USD, sau đó nhanh chóng hồi phục, kết thúc phiên tăng 36 pip lên 6,7904 CNY.

Đồng Bitcoin đang giảm nhanh, lúc kết thúc ngày 9/2 theo giờ Việt Nam ở mức 22.529 USD.

Giá Bitcoin ngày 9/2.

Giá vàng quay đầu giảm mặc dù lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm. Các nhà giao dịch vàng cũng chờ dữ liệu lạm phát vào tuần tới để tìm manh mối về lộ trình tăng lãi suất của Fed, trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng.

Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 9/2 theo giờ Việt Nam giảm 0,2% xuống 1.872,49 USD/ounce; trước đó, sau khi có dữ liệu thất nghiêp, giá vàng có lúc vọt lên 1.890,18 USD. Giá vàng kỳ hạn tháng 4 giảm 0,3% xuống 1.885,10 USD.

Edward Moya, chuyên gia thị trường cấp cao, cho biết: "Chúng ta cần chứng kiến thị trường lao động suy yếu để xu hướng giảm phát tiếp tục. Do đó, số người xin trợ cấp thất nghiệp tăng, dù không tăng nhiều, nhưng cũng gây áp lực lên vàng, khi rất nhiều nhà đầu tư tập trung vào những gì Fed sẽ làm".

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk


(0) Bình luận
USD, vàng và Bitcoin lao dốc khi chờ đợi dữ liệu CPI, đồng crown Thụy Điển tăng vọt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO