Chia sẻ với Trí thức trẻ, anh Nguyễn Hoàng Phúc, đại diện nhóm cho biết: “Skin Detective là ứng dụng giúp người dùng kiểm soát các bệnh về da ban đầu tốt hơn, người dùng không cần tốn nhiều thời gian, tiền bạc để đến bệnh viện mà phải chờ đợi lâu. Những người ở quê hay những vùng nông thôn giờ đây không cần phải đến những bệnh viện lớn mà vẫn hiểu được tình trạng bệnh của mình”.
Các giải thưởng Skin Detective đã đạt được
Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST Việt Nam 2022
Quý Quân cuộc thi Medical Technovation 2022 - Làng Công nghệ Y tế
Tham gia AI AWARD 2022: Top 5 cuộc thi AI Tech Matching
Giải Khuyến khích cuộc thi Dự án Đổi mới sáng tạo ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) TP. HCM 2020
Giải Sun* Award cuộc thi TechPlanter 2020
Tham gia Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp - CiC 2019
Vậy, đâu là khó khăn lớn nhất trong quá trình phát triển ứng dụng di động Skin Detective?
Bọn mình gặp 2 khó khăn chính. Khó khăn đầu tiên là về dữ liệu, để có thể tạo ra một hệ thống trí tuệ nhân tạo nhận diện ra các vấn đề về da của người Việt thì cần dữ liệu của người Việt Nam. Tuy nhiên, các dữ liệu về y tế số ở Việt Nam đa phần không công khai.
Khó khăn thứ hai là làm sao để các bác sĩ, các phòng khám và ngay cả người dùng của mình có thể tin tưởng ứng dụng sẽ giúp ích cho họ trong việc phát hiện các vấn đề về da.
Skin Detective đã giải quyết những khó khăn này như thế nào?
Về mặt dữ liệu, nhóm mình sử dụng các dữ liệu đã công bố, bao gồm các dữ liệu về da của người châu Á, trong đó có Việt Nam. Dựa trên những dữ liệu công khai, bọn mình bắt đầu tạo ra hệ thống nhận biết các bệnh về da và đưa cho người dùng dùng thử. Qua các vòng thử nghiệm, mình sẽ có thêm các dữ liệu dành cho chính người Việt Nam.
Từ dữ liệu đó mình sẽ phát triển hơn để hệ thống AI có thể nhận diện chính xác hơn các bệnh của người Việt Nam, kết hợp với các thử nghiệm lâm sàng của các bác sĩ để họ có thể phân loại các loại bệnh đó.
Khó khăn thứ hai thì mình vẫn đang trong quá trình giải quyết (cười). Việc được các bác sĩ có tin tưởng hay không dựa trên nhiều yếu tố. Đầu tiên, công nghệ của mình phải đủ tốt, phải làm ra được một hệ thống có độ chính xác cao. Thứ hai ứng dụng của mình có thể đưa ra được những đặc điểm phù hợp với chẩn đoán của bác sĩ. Như vậy họ mới tin tưởng về mặt công nghệ.
Còn về người dùng, để khiến người dùng tin tưởng về ứng dụng phải trải qua một quá trình dài. Mình nghĩ rằng ứng dụng cần mở rộng và có một đội ngũ bác sĩ uy tín để người dùng có một trải nghiệm tốt làm sao để giúp người dùng tiết kiệm được về mặt thời gian và tiền bạc.
Là một người thiên về công nghệ, anh có gặp khó khăn khi làm ra một ứng dụng hỗ trợ về y khoa hay không?
Bản thân mình và nhóm may mắn có được sự cộng tác, đồng hành của nhiều bác sĩ về mặt chuyên môn. Các bác sĩ sẽ có những buổi đào tạo về các loại bệnh về da liễu, triệu chứng, hình thái của bệnh, mức độ nặng nhẹ ra sao. Qua các buổi đào tạo như vậy, mình sẽ có thêm kiến thức để tạo ra hệ thống AI nhận diện bệnh tốt hơn.
Ở nước ngoài cũng đã có một số ứng dụng khác dùng AI để đánh giá, tư vấn về các vấn đề liên quan đến da, vậy Skin Detective có điểm gì khác biệt với các ứng dụng này?
Hiện tại, Skin Detective là một ứng dụng dành riêng cho người Việt. Mình nghĩ bọn mình hiểu về thị trường Việt Nam hơn, các bác sĩ cũng có chuyên môn sâu về da của người Việt hơn. Bạn cần biết rằng, da người châu Á sẽ khác da của người châu Âu hay người châu Mỹ.
Bên cạnh đó, Skin Detective còn có lợi thế về mặt công nghệ. Một hệ thống AI dành riêng để hỗ trợ chẩn đoán các bệnh về da liễu cho người Việt sẽ phù hợp, tốt hơn hệ thống AI của người nước ngoài.
Theo mình thấy, ở Việt Nam còn khá ít các công ty, startup về lĩnh vực này. Trước đó, FPT cũng có một ứng dụng tương tự kết hợp với các phòng khám của riêng họ nhưng sau đợt dịch không còn triển khai nữa. Ngoài ra, còn một ứng dụng khác tương tự trên thị trường là VietSkin tuy nhiên mô hình của họ khác bên mình, họ kết hợp với các phòng khám và bán thuốc.
Như anh chia sẻ, việc chẩn đoán và khám bệnh từ xa trong thời kỳ Covid-19 rất tiện lợi, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, khi mọi thứ đã quay trở lại bình thường, anh có nghĩ rằng ứng dụng của mình sẽ gặp khó khăn khi phát triển?
Thực ra, thời kỳ Covid-19 cũng ảnh hưởng đến nhóm mình, vì giãn cách xã hội nên không triển khai công việc được nhiều. Ở TP. Hồ Chí Minh khi dịch bùng phát, các bác sĩ cũng không có thời gian vì phải đi đến các khu cách ly. Tất cả các chuyên khoa khác hầu như sẽ dừng lại hết nên mình cũng không triển khai tiếp được.
Mình cũng không có đủ nhân lực để thực hiện trong thời kỳ dịch bệnh mặc dù nhu cầu khám chữa bệnh lúc đó rất cao. Ngay cả bản thân mình khi có vấn đề về da liễu hay vấn đề về các bệnh chuyên khoa khác cũng không có chỗ khám.
Mình không nghĩ ứng dụng sẽ gặp khó khăn sau khi mọi thứ quay trở lại bình thường bởi vì mọi người đã được khám chữa bệnh online trong thời kỳ dịch, có nhận thức rằng việc khám từ xa hoàn toàn vẫn có thể đưa ra một kết quả chính xác. Ngày càng có nhiều người tin tưởng việc được tư vấn, chẩn đoán bệnh từ xa.
Skin Detective đã có những dự định phát triển như thế nào trong thời gian tới?
Hiện nay, Skin Detective đang ở trong giai đoạn là một hệ thống AI giúp nhận diện được các bệnh về da liễu và có thể kết nối được với các bác sĩ. Nhóm mình vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hơn về mặt công nghệ. Bản thân mình muốn ứng dụng phải có công nghệ tốt nhất trước khi đưa sản phẩm cho người dùng trải nghiệm.
Trong tương lai, mình muốn phát triển ứng dụng sâu hơn, trở thành một trợ lý ảo giúp người dùng chăm sóc cho da của bản thân hàng ngày. Trợ lý ảo có thể nhắc nhở bạn về các vấn đề về da, thời gian chăm sóc da và làm thế nào để có một làn da khỏe mạnh.
Lý do vì sao anh đưa Skin Detective tham gia nhiều cuộc thi về khởi nghiệp như vậy?
Tham gia nhiều cuộc thi giúp mình có nhiều mối quan hệ hơn, gặp được nhiều người, nhận được nhiều ý kiến đánh giá. Mỗi người sẽ cho mình một ý kiến khác nhau, bởi vì họ là những người có kinh nghiệm nên những ý kiến này đều có ích. Đây là mục tiêu chính khi đưa Skin Detective đi thi.
Ngoài ra, nếu may mắn đạt giải thưởng, Skin Detective sẽ được truyền thông, được mọi người biết đến nhiều hơn (cười). Việc tham gia cuộc thi sẽ giúp mọi người có thêm niềm tin, kỳ vọng ứng dụng này có thể phát triển, có thể đi xa hơn nữa.
Không những vậy, mình cũng hy vọng sẽ gặp được những nhà đầu tư tại các cuộc thi khởi nghiệp. Đó là những lý do khiến nhóm mình rất thích tham gia các cuộc thi, hy vọng truyền tải được thông điệp của nhóm đến với mọi người.
Làng Công nghệ Y tế và Giải pháp sáng tạo Chăm sóc sức khoẻ (Làng Medtech & Innovative Healthcare) là một trong 30 làng công nghệ của Chương trình Khởi nghiệp quốc gia TECHFEST 2022.
Làng có sự tham gia và đồng hành của các doanh nghiệp tiêu biểu, nổi bật trong lĩnh vực công nghệ thông tin y tế như ISOFH, Mitalab, Vinbigdata, GeneStory; các mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ứng dụng thành công CNTT như Tổ hợp phòng khám Mediplus, Trung tâm trị liệu phục hồi chức năng MyRehab, Mạng lưới bác sĩ gia đình và Trung tâm Chăm sóc giảm nhẹ Chân trời mới, Các quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ đổi mới và các hiệp hội như VinIF, Quỹ VNDBF, Hội Quân dân y Việt Nam, Hội chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Hà Nội. Trong suốt 5 tháng vừa qua, Làng đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối, đào tạo và cuộc thi dành cho các công ty khởi nghiệp và các giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực y tế.