Chiều 7/10/2024, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII, Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề "Cơ hội và thách thức cho ngành logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu trong kỷ nguyên Blockchain và AI" tại Đại học Thương mại Hà Nội.
Sự kiện thu hút hơn 400 sinh viên cùng các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực logistics, Blockchain và AI.
Đây là hoạt động thứ 11 trong chuỗi ABAII Unitour dự kiến sẽ tổ chức tại 30 trường đại học trên cả nước với tổng số sinh viên tham dự trực tiếp khoảng 20.000 người nhằm phổ cập Blockchain và AI.
Tại hội thảo, Ths. Trần Lê Hồng Vân , chuyên gia tư vấn tại Gerson Lehrman Group (GLG), giảng viên Viện ABAII, chia sẻ những tác động mạnh mẽ của AI trong việc tối ưu hóa chi phí logistics.
Dẫn chứng bà Vân cho biết, ứng dụng AI giúp các doanh nghiệp cắt giảm từ 15 - 25% chi phí logistics thông qua tối ưu hóa lộ trình vận chuyển và quản lý hàng tồn kho. AI còn nâng cao hiệu quả vận hành kho bãi lên tới 60% và giảm thời gian xử lý đơn hàng đến 35%, giúp doanh nghiệp tăng năng suất và cải thiện chất lượng dịch vụ.
Bên cạnh đó, tiềm năng của công nghệ Blockchain trong việc thay đổi toàn diện chuỗi cung ứng toàn cầu đã được nhấn mạnh thông qua ví dụ cụ thể từ Deutsche Post DHL Group - một trong những tập đoàn logistics lớn nhất thế giới với quy mô hoạt động tại hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo bà Hồng Vân, tập đoàn này sẽ đầu tư ngân sách lên tới 105 triệu USD để phát triển các ứng dụng Blockchain trong logistics từ nay đến năm 2025.
TS. Lê Linh Lương, Phó Viện trưởng Viện ABAII, cho biết, sự kết hợp giữa AI và Blockchain không chỉ cải thiện ngành logistics và chuỗi cung ứng nói riêng mà còn thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử nói chung, thông qua việc phân tích hành vi tiêu dùng, tối ưu hoạt động quảng cáo marketing và hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt xu hướng.
Tuy nhiên, TS. Lương cũng cảnh báo rằng việc triển khai AI và Blockchain đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tình trạng thiếu nhân lực có chuyên môn cao để quản lý và vận hành các hệ thống phức tạp. Ông cho biết, nếu không được chuẩn bị tốt, việc áp dụng hai công nghệ này có thể tác động đến khoảng 300 triệu việc làm toàn thời gian trên toàn cầu, bao gồm cả lĩnh vực thương mại điện tử. AI mang lại cuộc cách mạng mới và có thể mang lại cho nền kinh tế toàn cầu 4.000 tỷ USD/năm. Do đó, bên cạnh việc chờ đợi khung pháp lý hoàn thiện, nhà trường và các doanh nghiệp cần chủ động hợp tác với các tổ chức giáo dục để xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu, chuyên biệt theo nhu cầu cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiệu quả hơn.
Về phía các bạn sinh viên, việc chủ động nắm bắt xu hướng, làm chủ công nghệ là cần thiết, thậm chí nên được coi là yêu cầu bắt buộc để không bị tụt hậu”, ông Lương nhấn mạnh. Vì vậy, bên cạnh các chương trình học trong phạm vi nhà trường, các bạn sinh viên phải chủ động tìm tòi, học hỏi những kiến thức, kỹ năng trong các ngành công nghệ mới, thông qua những hình thức học tập đa dạng như trực tiếp, trực tuyến, các khóa đào tạo ngắn hạn,...
Đơn cử như với MasterTeck, nền tảng học trực tuyến về Blockchain và AI hàng đầu Việt Nam, học viên có thể chủ động học tập tới hơn 300 khóa học đa dạng, cùng cơ hội nhận chứng chỉ quốc tế từ các tổ chức như CompTIA, EC-Council, PECB và chứng chỉ NFT của Viện ABAII.
Trong khuôn khổ sự kiện, các chuyên gia cũng đã tham gia vào phiên thảo luận với chủ đề “Bức tranh toàn cảnh về cơ hội việc làm tương lai và những kỹ năng cần thiết cho sinh viên để thích ứng với sự phát triển của ngành logistics”.
Đặc biệt, các chuyên gia tham dự hội thảo đã dành nhiều thời gian để chia sẻ những vấn đề cơ bản về đạo đức AI và thực hành AI có trách nhiệm. Đây là những khuyến nghị quan trọng, giúp các bạn sinh viên từng bước hình thành thói quen về việc xây dựng và tuân thủ những tiêu chuẩn đạo đức, nguyên tắc cộng đồng về AI và Blockchain để chủ động xây dựng thị trường công nghệ mới bền vững, lành mạnh.