CTCP Thế Giới Số (Digiworld, mã chứng khoán DGW) vừa có những chia sẻ trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2025.
DGW đặt mục tiêu doanh thu cao kỷ lục với 1 tỷ USD. Công ty cũng vừa thay đổi logo và nhận diện thương hiệu, làm bước đệm cho hành trình đổi mới.
Thay đổi cách tiếp cận thị trường
Ông Đoàn Hồng Việt – Chủ tịch HĐQT DGW – chia sẻ: “Sau 30 năm trong ngành, chúng tôi nhận ra vấn đề của thị trường hiện diện khắp nơi. Và thông qua cuộc cải cách lần này, DGW sẽ hướng đến phát hiện ra từng vấn đề của nhãn hàng, khách hàng… để giải quyết.
Thay vì cách tiếp cận ban đầu của Công ty là có người đến mua hàng và bán, thì cách tiếp cận mới chúng tôi sẽ chủ động đi tìm khách hàng và vấn đề của họ. Tức, DGW sẽ đi từ gốc rễ, hướng đến làm nhà kiến tạo thị trường”.
Giải thích cụ thể về cách tiếp cận mới, ông Việt cho biết Công ty không phải là bán lẻ trực tiếp, mà đi tìm hiểu các vấn đề của thị trường và tìm qua hướng giải quyết. Ví dụ, DGW đang có hệ thống bảo hành lớn và sẽ dựa trên cơ sở này để tìm hiểu, từ đó giải quyết những vấn đề của khách hàng. Hoặc với điểm đau là vốn tiêu dùng, thì DGW cũng sẽ cung cấp dịch vụ tài chính cho khách hàng nào có nhu cầu….
Do đó, DGW trong hướng đi mới vẫn dựa trên quan điểm xuyên suốt của mình. “Nhiều người nói DGW nhiều tiền tại sao không mua miếng đất làm nhà máy, thay vì đi thuê. Nhưng tư duy của tôi không như vậy, không chôn vốn vào tài sản dài hạn. Thời gian tới, DGW sẽ xây dựng kênh phân phối một cách chậm rãi, đi từ kênh siêu thị, đến nhà hàng khách sạn và sẽ đến kênh bán lẻ truyền thống”, ông Việt nói.

Bổ sung, bà Tô Hồng Trang – Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc kể: “Giai đoạn 2000-2001, một chiếc laptop có giá đến 5.000 USD, và Việt Nam cũng chỉ có một vài thương hiệu lớn như HP… Ngày này, DGW nhận thấy rất nhiều người đi làm cũng như sinh viên có nhu cầu sử dụng laptop, nhưng không ai đủ tiền để bỏ ra 5.000 USD mua.
DGW đã có cách tiếp cận đúng: Thay vì đi thương lượng với HP giảm giá còn 4.000 USD thì chúng tôi tìm làm việc với một công ty lắp ráp Đài Loan. Và để có chiếc laptop 1.000 USD cho thị trường thì cần phải đủ số lượng hàng ngàn chiếc, tức phải có một thị trường mới. Từ lúc đó DGW đã là nhà kiến tạo thị trường rồi. Hay sau này, DGW cũng là đơn vị tiên phong khi đưa thương hiệu điện thoại giá rẻ Xiaomi vào Việt Nam…”.
Chia sẻ về bối cảnh hiện tại và những rủi ro từ Thuế quan Mỹ, ông Việt cho biết: “Tôi không nghĩ con số 46% sẽ được áp dụng cho toàn bộ ngành hàng. Quan điểm của tôi việc ảnh hưởng chính sách thuế này lên Việt Nam là không nặng nề, và DGW cũng sẽ không bị ảnh hưởng”.
Theo vị này nếu thực sự áp mức thuế 46% thì DGW vẫn có những ngành hàng “trú ẩn” tốt như hàng tiêu dùng.
Digiworld tìm cơ hội lấy thị phần lúc "rối ren"
Nhìn lại 30 năm phát triển, DGW đã đối mặt với rất nhiều lần khủng hoảng, sau mỗi lần như vậy Công ty lại lấy được thêm thị phần. Do đó, hôm nay ngay giữa lúc "rối ren", nhiều đối thủ dừng lại không dám tấn công, thậm chí có bên còn thu gọn quy mô thì sẽ là cơ hội cho DGW.
Được biết, tại Đại hội tới đây, DGW cũng công bố mục tiêu trở thành "Công ty tỷ USD", đồng thời lên kế hoạch doanh thu cao kỷ lục 25.450 tỷ và lợi nhuận sau thuế 523 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 18% so với năm 2024.
Ban lãnh đạo DGW chia sẻ, trong cơ cấu doanh thu năm nay, mảng Thiết bị văn phòng và Thiết bị điện gia dụng sẽ là hai mảng gánh tăng trưởng cho Công ty, doanh thu dự kiến tăng trưởng lần lượt 25% lên 5.480 tỷ và 35% lên 1.340 tỷ.
Trong khi đó, trong bối cảnh ngành Máy tính xách tay/máy tính bảng cũng như Điện thoại di động đã bão hòa, Công ty đặt mục tiêu doanh thu lần lượt là 6.850 tỷ (tăng trưởng 9%) và 10.730 tỷ (tăng 12%). Công ty sẽ phát thêm những nhãn hiệu mới, dành thêm thị phần và giá trung bình tăng.
Năm 2024, DGW ghi nhận doanh thu đạt 22.079 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ và hoàn thành 96% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 449 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2023, tương đương 91,5% kế hoạch.

Với kết quả trên, Công ty dự kiến trình cổ đông phương án trả cổ tức 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%, tương ứng 1 cổ phiếu được nhận 500 đồng. Với việc sở hữu hơn 219 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính số tiền chi trả vào khoảng 110 tỷ đồng.