Theo Reuters trích dẫn từ một kênh tin địa phương, Bộ trưởng phát triển kinh tế Sergei Obolonik của Transdniestria cho biết tất cả các doanh nghiệp công nghiệp đều dừng hoạt động, ngoại trừ những doanh nghiệp tham gia sản xuất thực phẩm.
Trong gần 3 năm xung đột, Ukraine vẫn cho phép Nga tiếp tục bơm khí đốt thông qua lãnh thổ của mình và kiếm tới 1 tỷ USD/năm từ phí quá cảnh. Nhưng Kyiv đã từ chối gia hạn và hợp đồng kết thúc vào ngày 1/1/2025.
Các bên mua khí đốt Nga ở châu Âu như Slovakia và Áo đã chuẩn bị cho việc cắt giảm bằng cách đảm bảo nguồn cung thay thế. Nhưng Transdniestria mặc dù thân Nga vẫn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Transdniestria là một khu vực đã tuyên bố ly khai khỏi Moldova vào đầu thập niên 1990.
Khi thoả thuận trung chuyển khí đốt chấm dứt vào ngày 1/1, công ty năng lượng địa phương Tirasteploenergo buộc phải cắt nước nóng và hệ thống sưởi, ngoại trừ các cơ sở y tế. Người dân được khuyến cáo nên che cửa số bằng rèm hoặc chăn dày và sử dụng lò sưởi điện.
Lãnh đạo Transnistria - Vadim Krasnoselsky cho biết khu vực này có trữ lượng khí đốt chỉ còn đủ dùng trong 10 ngày nếu sử dụng tiết kiệm. Ông cho biết nhà máy điện chính đã chuyển từ khí đốt sang than và sẽ có thể cung cấp điện cho người dân vào tháng 1 và tháng 2.
Nga đã bơm khoảng 2 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm cho Transdniestria, bao gồm cả nhà máy điện cung cấp năng lượng cho Moldova. Moldova vốn có khoản nợ chưa thanh toán cho Gazprom ước tính là 709 triệu USD. Quốc gia 2,5 triệu dân này đang cố gắng cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng ít nhất 1/3 và nhập khẩu hơn 60% từ nước láng giềng Romania.
Người đứng đầu công ty khí đốt quốc gia Moldova Moldovagaz - Vadim Ceban cho biết họ sẵn sàng giúp Transnistria mua khí đốt từ các nước châu Âu để giảm bớt tình trạng thiếu hụt. Những bất kỳ lượng khí đốt nào cung cấp cho khu vực này đều phải được thanh toán theo giá thị trường.
Kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, châu Âu đã giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và tăng lượng nhập khẩu từ các nguồn khác, bao gồm khí đốt qua đường ống từ Na Uy và khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ và Qatar.
Trong tuyên bố ngày 2/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết nền kinh tế châu Âu chịu tổn hại khi thiếu khí đốt Nga và Mỹ là bên hưởng lợi.
Theo Reuters