Tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng Việt Nam đang ở mức thấp

Vân Anh | 00:33 23/03/2022

Nợ xấu thực tế của các ngân hàng Việt Nam có thể cao hơn con số báo cáo do nhiều khoản vay có vấn đề chưa được tính vào, đó là những khoản nợ được cơ cấu lại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng Việt Nam đang ở mức thấp
Việc nâng tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong 2 đến 3 năm tới.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vừa có báo cáo cho rằng, vốn hóa của ngành ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện, song tỷ lệ an toàn vốn (CAR) còn thấp so với các ngân hàng khu vực.

Theo báo cáo của Fitch Ratings, trong những năm gần đây, vốn hóa của ngành ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện nhờ khả năng sinh lời tốt và các ngân hàng tích cực tăng vốn đáp ứng yêu cầu Basel II.

Đến nay, ước tính các ngân hàng chưa tuân thủ Basel II chỉ cần huy động thêm 0,6 tỷ USD vốn mới để đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của Basel II là 8% trước thời hạn thực hiện vào tháng 1/2023.

Tuy nhiên, báo cáo của Fitch Ratings cho rằng hệ thống ngân hàng của Việt Nam vẫn mỏng vốn nếu so sánh với các ngân hàng quốc tế cũng như đặt trong môi trường kinh doanh rủi ro.

Tỷ lệ an toàn vốn của khối ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân tuân thủ Basel II ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức bình quân của các ngân hàng tại các thị trường lớn ở Đông Nam Á.

Fitch Ratings cũng cảnh báo rằng, nợ xấu thực tế của các ngân hàng Việt Nam có thể cao hơn con số báo cáo do nhiều khoản vay có vấn đề chưa được tính vào, đó là những khoản nợ được cơ cấu lại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Thời gian qua các ngân hàng của Việt Nam tập trung vào đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng cho vay. Điều này sẽ khiến việc nâng tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong 2 đến 3 năm tới.

Thực tế, những cảnh báo của Fitch Ratings đã được nhiều tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế đưa ra cho Việt Nam trước đây. Những cảnh báo này liên quan đến mức đệm vốn của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam còn mỏng, một số tổ chức tín dụng hoạt động yếu kém tiềm ẩn rủi ro.

Cùng với đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thời gian qua đã đang tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động và an toàn của các ngân hàng Việt Nam.

Hiện nay tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã trên 140% và nằm trong nhóm nước có tỷ lệ cao nhất theo đánh giá của quốc tế.

Nếu tỷ lệ này tiếp tục tăng cao và vốn vay trung dài hạn cũng dựa nhiều vào ngân hàng sẽ tạo áp lực lớn đối với việc cân đối vốn của hệ thống ngân hàng và cân đối vĩ mô.

Báo cáo của Fitch Ratings cho rằng, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần thêm 10,7 tỷ USD vốn bổ sung (khoảng 2,9% GDP) để đảm bảo khoản dự phòng rủi ro cho vay, đồng thời duy trì hệ số CAR ở mức 10%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng Việt Nam đang ở mức thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO