Trong các buổi họp công bố kết quả kinh doanh năm nay, đồng sáng lập kiêm CEO của Airbnb, Brian Chesky, đã chỉ ra những thị trường mở rộng lớn nhất trong tầm ngắm của gã khổng lồ cho thuê nơi ở ngắn hạn này. Danh sách gồm có Mexico và Brazil ở khu vực Châu Mỹ; Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc (nhắm đến du khách Trung Quốc muốn đi nước ngoài) ở Châu Á; và đẩy mạnh hơn nữa vào Đức, Ý và Tây Ban Nha ở Châu Âu, nơi Airbnb đã có vị thế vững chắc.
Điểm chung của những quốc gia này là gì? Theo Dave Stephenson, Giám đốc Kinh doanh của Airbnb, đó đều là những nơi mà mức độ hiện diện của công ty vẫn còn nhỏ so với số tiền người dân chi tiêu cho du lịch ở đó. Airbnb đang tìm cách "thích nghi với từng địa phương", ông nói, "để mọi người hiểu vì sao lựa chọn Airbnb sẽ tốt hơn khi đi du lịch".
Stephenson khẳng định rằng dù Airbnb có độ nhận diện thương hiệu cao, phạm vi hoạt động của họ vẫn nhỏ hơn các khách sạn. Công ty cho biết họ có 8 triệu lượt đăng ký chỗ ở trên toàn cầu, so với ước tính khoảng 17 triệu phòng khách sạn. Airbnb đặt mục tiêu thu hẹp khoảng cách này theo từng châu lục.
Chiến lược mở rộng này còn có một lý do khác: Airbnb đang tìm kiếm những thị trường mới vào thời điểm nhiều thành phố trên thế giới đang siết chặt kiểm soát đối với công ty và các nền tảng cho thuê ngắn hạn khác.
Những động thái này chủ yếu xuất phát từ các khiếu nại rằng dịch vụ cho thuê ngắn hạn thu hút khách du lịch (thường gây ồn ào) và đẩy người dân địa phương ra khỏi nơi ở.
Barcelona, nơi có khoảng 20.000 chỗ ở trên Airbnb, đã tuyên bố sẽ cấm tất cả dịch vụ cho thuê nơi ở ngắn hạn từ năm 2028. Málaga sẽ ngừng cấp phép cho thuê ngắn hạn ở hàng chục khu phố. New York đã thông qua luật vào năm 2023 khiến hầu hết dịch vụ cho thuê ngắn hạn bị loại bỏ. Các thành phố khác như London và Paris cũng áp đặt giới hạn nghiêm ngặt về số đêm mỗi năm mà một chỗ ở có thể được cho thuê ngắn hạn.
Với Airbnb, những "vùng đất chưa khai phá" trở nên hấp dẫn hơn khi những thị trường quen thuộc dần trở nên bất ổn.
Khi Airbnb ra đời và phát triển mạnh mẽ vào những năm 2010, hầu như không có quy định nào đối với dịch vụ cho thuê ngắn hạn. Ít ai có thể lường trước được việc các chủ nhà, thậm chí cả người thuê nhà, sẽ biến Airbnb thành những "đế chế kinh doanh thu nhỏ" chỉ sau một đêm. Tuy nhiên, theo thời gian, ngày càng có nhiều khiếu nại được ghi nhận.
Người dân địa phương phản ánh rằng khách thuê ngắn hạn thường tổ chức tiệc tùng, gây ra tình trạng rác thải, tiếng ồn và sự hỗn loạn trong các tòa nhà và khu dân cư, ngay cả khi công ty đã cấm khách tổ chức các buổi tụ tập lớn. Bên cạnh đó, nhiều người còn cho rằng các dịch vụ cho thuê ngắn hạn sinh lời này là nguyên nhân làm tăng giá nhà ở.
Một báo cáo của kiểm toán viên thành phố New York cho thấy từ năm 2009 đến 2016, có đến 9,2% mức tăng tiền thuê nhà có liên quan đến sự phát triển của Airbnb.
Hiện nay, rất nhiều chính quyền địa phương trên thế giới đã ban hành các luật điều chỉnh dịch vụ cho thuê ngắn hạn, được thiết kế phù hợp với đặc thù của từng thành phố. Điều này mang lại lợi thế cho những khu vực mà Airbnb đang nhắm tới để mở rộng, vì họ có thể học hỏi từ tác động của các quy định này đối với tình trạng nhà ở ở những nơi khác và chủ động ứng phó.
Murray Cox, nhà sáng lập Inside Airbnb – nền tảng thu thập dữ liệu của Airbnb để hiển thị mức độ phủ sóng của công ty ở các thành phố trên toàn cầu – nhận xét:
"Mặc dù những nơi mà Airbnb có thể đang hướng tới có thể chưa có khung pháp lý, nhưng ít nhất đã có những ví dụ cho thấy các chính phủ đã nhận ra nhu cầu bảo vệ nhà ở và áp dụng thành công các biện pháp điều chỉnh".
Murray Cox, nhà sáng lập Inside Airbnb nhận định rằng mạng lưới quy định không đồng nhất trên toàn thế giới vừa là "thách thức" vừa là "cơ hội" cho Airbnb. Nếu bị hạn chế hoạt động ở Paris, công ty có thể tìm đến các thành phố lân cận hoặc vùng nông thôn của Pháp – nơi quy định còn lỏng lẻo. Cox nói: “Khi không thể phát triển hoặc thị trường cốt lõi đang suy giảm, cách duy nhất để Airbnb duy trì hoặc tăng trưởng doanh thu là mở rộng sang các thị trường mới”.
Airbnb không hoàn toàn phản đối quy định. Nếu khung pháp lý đã được thiết lập trước khi Airbnb thâm nhập một thị trường mới, quy trình này sẽ đơn giản hơn cho cả chủ nhà và khách. Điều này cũng giúp Airbnb tránh tình trạng phải xóa hàng chục nghìn chỗ ở khỏi nền tảng sau khi luật mới được ban hành.
Dave Stephenson, Giám đốc Kinh doanh của Airbnb cho biết: “Chúng tôi thực sự hoan nghênh các quy định hợp lý. Nếu được thực hiện một cách hợp tình, hợp lý, mọi thứ sẽ hoạt động khá tốt”. Tuy nhiên, Airbnb vẫn đấu tranh chống lại những quy định mà họ cho là quá khắt khe, như ở thành phố New York.
Dù gặp khó khăn về mặt quy định, Airbnb vẫn tăng trưởng ổn định. Doanh thu của công ty tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, và số lượng đêm đặt phòng cũng tăng 8%, bao gồm cả các hoạt động trải nghiệm do các doanh nghiệp và hướng dẫn viên địa phương cung cấp.
Những thách thức của Airbnb không chỉ dừng lại ở quy định pháp lý. Jamie Lane, Phó Chủ tịch cấp cao về phân tích và nhà kinh tế trưởng tại AirDNA cho rằng mỗi quốc gia có động lực văn hóa riêng. Ở một số nơi, việc cho người lạ thuê nhà là không phù hợp về mặt văn hóa. Lane cũng chỉ ra rằng Airbnb phải đối mặt với nhiều đối thủ địa phương, khiến việc cạnh tranh trở nên khó khăn.
Ví dụ, Airbnb đã rút khỏi thị trường Trung Quốc vào năm 2022 và xóa 150.000 chỗ ở do ảnh hưởng của các quy định nghiêm ngặt về du lịch trong đại dịch COVID-19 và sự cạnh tranh từ các công ty nội địa như Tujia. Công ty này phục vụ khách du lịch Trung Quốc bằng cách dự đoán các thời điểm và mức giá cao điểm, một chiến lược mà Airbnb không thể sánh kịp.
Dẫu vậy, CEO Brian Chesky vẫn lạc quan về khả năng chiếm lĩnh thị trường mới: “Airbnb sẽ thu hút mọi người trên toàn thế giới một khi họ nhận ra chúng tôi”. Ông cho rằng Airbnb thậm chí có thể thành công hơn ở Châu Á, nơi giới trẻ không quá gắn bó với khách sạn và sử dụng mạng xã hội nhiều hơn.
Một trong những bước đi rõ ràng của Airbnb là tại Nhật Bản. Vào mùa thu năm nay, công ty tăng cường quảng cáo nhắm đến du khách trẻ tuổi muốn đi chơi cuối tuần. Airbnb cũng đã thêm thông tin về các onsen gần nơi ở – yếu tố quan trọng với khách du lịch Nhật Bản.
Airbnb còn triển khai các phương thức thanh toán địa phương như KaKao Pay ở Hàn Quốc và Vipps ở Na Uy. Dù là một bước nhỏ, điều này giúp dịch vụ trở nên thuận tiện và thu hút hơn.
Dù Airbnb chia sẻ một phần thông tin với chính quyền, các nhà nghiên cứu như Bianca Tavolari vẫn lo ngại về tác động đầy đủ của Airbnb. Bà cho rằng, ở những nơi như Brazil, các quy định còn chậm trễ và có nguy cơ không theo kịp tốc độ phát triển của Airbnb.
Cox hy vọng rằng các địa phương Airbnb dự định mở rộng sẽ sớm tính đến những thách thức này. Nếu dự đoán của Chesky là đúng, Airbnb sẽ còn phát triển mạnh mẽ khi mọi người quen dần với việc thuê nhà ngắn hạn. Các thành phố nên chuẩn bị trước khi làn sóng du khách tiếp theo đến gõ cửa.
Theo: BI