Từng gánh 90% thị trường thịt TP.HCM, Vissan suýt phải đóng cửa và làm lại từ con số 0, dùng chiến lược "không có sản phẩm trụ cột"

Huyền Trang | 07:14 02/09/2023

Tham gia chương trình Doanh nhân chính truyện của Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc của CTCP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã có những chia sẻ về những thăng trầm trong suốt 50 năm hoạt động của Vissan.

Từng gánh 90% thị trường thịt TP.HCM, Vissan suýt phải đóng cửa và làm lại từ con số 0, dùng chiến lược "không có sản phẩm trụ cột"

Gần kề bờ vực phá sản, Vissan chuyển hướng kinh doanh

Vissan là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thực phẩm, từng gánh hơn 90% nhu cầu thịt tại Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm 1970 và vẫn còn tồn tại và phát triển mạnh mẽ tới hiện nay. Thế nhưng, có lẽ ít ai biết Vissan đã từng lâm vào những hoàn cảnh khó khăn tưởng chừng như sắp phá sản.

Là một doanh nghiệp nhà nước nên Vissan sở hữu những lợi thế rất lớn ngay từ khi mới thành lập như nhà máy giết mổ động vật của Vissan khi đó là nhà máy giết mổ hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, Vissan cũng là doanh nghiệp duy nhất có đủ điều kiện để xuất khẩu thịt, với thị trường chủ yếu là xuất khẩu cho Đông Âu và xuất khẩu cho Liên Xô thời bấy giờ.

Kể lại về thời đó, trong Talkshow của Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông An chia sẻ “Thời điểm đó, bình quân mỗi ngày chúng tôi giết mổ khoảng từ 1.500 đến 2.500 con heo một ngày và có những ngày chúng tôi giết mổ tới 6.000 con heo một ngày, dây chuyền giết mổ hầu như phải hoạt động hết công suất liên tục.”

Tuy nhiên, đang ở trên đà cực thịnh thì đến tầm năm 1990, Vissan gần như đứng trên bờ vực phá sản vì mất đi thị trường xuất khẩu Đông Âu, tưởng chừng như phải đóng cửa nhà máy. Không từ bỏ, ban lãnh đạo của công ty khi đó đã tâm vực dậy công ty với phương châm “tập trung vào thị trường nội địa, trong đó phát triển ngành hàng chế biến làm trọng tâm”. Vissan là một trong những doanh nghiệp Việt đầu tiên sản xuất xúc xích, sản phẩm xúc xích tiệt trùng của Vissan cũng là một bước đột phá giúp công ty quay trở lại mạnh mẽ.

Các sản phẩm chế biến như xúc xích tiệt trùng lúc bấy giờ còn hết sức mới lạ với thị trường Việt Nam, CEO Vissan cho biết, sản lượng ban đầu những sản phẩm này khá thấp, nhưng dần dần vì tạo ra được những bữa ăn tiện lợi hơn cũng như đa dạng hơn cho người tiêu dùng nên thị trường bắt đầu phát triển “Trong mảng thực phẩm chế biến, hầu như chúng tôi phải làm lại từ đầu, phải xây dựng lại từ đầu, từ con số 0 dần dần phát triển đến ngày hôm nay.”

Ông An cho biết thêm, trước đó, xúc xích Trung Quốc cũng đã du nhập vào Việt Nam nhưng không được đón nhận do khẩu vị không phù hợp với người Việt Nam và khi mà Vissan làm, Vissan đã thay đổi khẩu vị và điều kiện bảo quản để có thể bảo quản ở nhiệt độ bình thường trong từ 3-4 tháng giúp sản phẩm tiếp cận được đến khách hàng.

Sau đó, sức mua của thị trường với xúc xích tiệt trùng đã phát triển rất lớn. Năm 2020, sản lượng xúc xích tiệt trùng của Vissan đỉnh điểm một ngày phải sản xuất hơn 50 tấn.

Sản phẩm tươi sống – sản phẩm chế biến phải ngang bằng nhau

Hiện nay, xúc xích tiệt trùng đã trở thành một cái sản phẩm trụ cột của công ty. Tuy nhiên, CEO cho biết, chiến lược của Vissan là không xây dựng một sản phẩm nào mang tính trụ cột, thúc đẩy ngành hàng thực phẩm chế biến và thực phẩm tươi sống có tỷ trọng ngang nhau để tránh rủi ro.

Trong mảnh thịt tươi sống, Vissan định hướng sản phẩm theo xu hướng thịt sạch, an toàn, chất lượng. Cụ thể, Vissan đã phát triển dòng sản phẩm thịt sạch, thịt có chứng nhận VietGAP. Đồng thời, Vissan cũng nghiên cứu, phát triển ra dòng sản phẩm thịt heo thảo mộc sử dụng công nghệ riêng, có những chất xúc tác làm cho thịt trở nên tốt hơn, thơm hơn, và ngon hơn.

Để đáp ứng được các tiêu chuẩn này, Vissan đã nói không với sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và những heo nuôi tại những vùng bị dịch bệnh, phải điều trị sẽ không được sử dụng trong dòng sản phẩm thảo mộc.

Sau khoảng 50 năm hình thành và phát triển, Vissan vẫn đang giữ vững danh hiệu công ty sản xuất thực phẩm hàng đầu Việt Nam. CEO bày tỏ “Thị phần còn tùy theo các ngành nghề, tùy theo các ngành thực phẩm khác nhau mà có những thị phần thay đổi khác nhau. Tuy nhiên, so với các doanh nghiệp đang hoạt động trong cùng ngành nghề thì Vissan vẫn có thị phần cao nhất và mục tiêu của Vissan không phải bó hẹp trong thị trường Việt Nam nữa mà sẽ vươn ra thế giới.”

Để chuẩn bị cho tầm nhìn vươn ra thế giới đó, hiện nay, Vissan đã đăng ký nhãn hiệu ở các thị trường khác ở nước ngoài, tìm hiểu các quy định về cái ngành thực phẩm ở từng nước. Đồng thời, Vissan đã chuẩn bị việc nguồn nguyên liệu ở trong nước phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến để đủ điều kiện có thể xuất khẩu. Hiện tại, Vissan đang có một số mặt hàng đã xuất qua Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc ...

Về kết quả kinh doanh, trong năm 2022, Vissan ghi nhận doanh thu đạt 3.833 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt gần 174 tỷ đồng, giảm lần lượt 11% và 7% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 137,5 tỷ đồng.


(0) Bình luận
Từng gánh 90% thị trường thịt TP.HCM, Vissan suýt phải đóng cửa và làm lại từ con số 0, dùng chiến lược "không có sản phẩm trụ cột"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO