Tuần “báo xấu” của một loạt nhà băng: Sacombank, VietABank, VIB, ACB, Vietinbank, Vietcombank cùng ghi nhận nợ xấu “phình to”

Mạnh Đại | 07:47 04/08/2024

Trong tuần qua các ngân hàng Sacombank, VietABank, VIB, Vietinbank, ACB, Vietcombank công bố báo cáo tài chính với nợ xấu “phình to” so với đầu năm, đặc biệt có ngân hàng nợ khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng mạnh.

Tuần “báo xấu” của một loạt nhà băng: Sacombank, VietABank, VIB, ACB, Vietinbank, Vietcombank cùng ghi nhận nợ xấu “phình to”
Ảnh minh hoạ.

Nợ xấu Vietinbank tăng hơn 8.000 tỷ đồng so với đầu năm

Tính đến thời điểm 30/6, tổng nợ xấu của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank; HoSE: CTG) tăng hơn 8.000 tỷ đồng lên 24.645 tỷ đồng, tăng 48,39% so với đầu năm.

no-xau-vietinbank.jpg

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là 3.344 tỷ đồng, tăng 33,31%; Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) là 13.456 tỷ đồng, tăng 2,85 lần; Trong khi, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là 7.845 tỷ đồng, giảm 16,34%.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Vietinbank tăng từ 1,13% hồi đầu năm, lên 1,57% vào thời điểm cuối tháng 6/2024.

Xem thêm tại đây

Nợ xấu nội bảng Vietcombank “phình to” lên gần 16.500 tỷ đồng

Tính đến thời điểm 30/6, tổng nợ xấu tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank; HoSE: VCB) là 16.446 tỷ đồng, tăng hơn 32% so với hồi đầu năm – tăng gần 4.000 tỷ đồng.

no-xau-vietcombank.png

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là 3.048 tỷ đồng, tăng 75,47%; Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) là 3.379 tỷ đồng, tăng 17,48%; Nợ có khả năng mất vốn là 10.017 tỷ đồng, tăng 27,77%.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ 0,98% hồi đầu năm, lên 1,2% vào thời điểm cuối tháng 6/2024.

Nợ xấu của ACB tăng gần 40%

Tính đến ngày 30/6, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB; HoSE: ACB) có tổng nợ xấu “phình to” lên hơn 8.122 tỷ đồng. Trong đó, cả 3 nhóm nợ xấu đều tăng, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5).

no-xau-acb.png

Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là 1.287 tỷ đồng, tăng 36,93%; Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) là 1.309 tỷ đồng, tăng 24,86%; Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là 5.525 tỷ đồng, tăng 41,76%.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ 1,22% hồi đầu năm, lên 1,5% vào cuối tháng 6/2024.

Đáng chú ý, chất lượng nợ cho vay kể trên không bao gồm hơn 7.500 tỷ đồng (hồi đầu năm là 4.574 tỷ đồng) cho vay giao dịch ký quỹ của Công ty TNHH Chứng khoán ACB.

Nợ có khả năng mất vốn Sacombank tăng gần gấp đôi

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank; HoSE: STB) có tổng nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 6 là 12.548 tỷ đồng, tăng 14,2% so với đầu năm. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ 2,28% hồi đầu năm lên 2,43% vào thời điểm cuối tháng 6/2024.

no-xau-sacombank.png

Đáng chú ý, các khoản nợ đang có dấu hiệu dịch chuyển. Trong khi, Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) giảm 1,9 lần xuống 2.425 tỷ đồng. Ngược lại, Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 15,02% lên 1.714 tỷ đồng; Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 1,7 lần lên 8.409 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng VIB tăng lên 3,66%

Tại Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB; HoSE: VIB) tính đến 30/6, tổng nợ xấu của nhà băng này là 10.201 tỷ đồng, tăng 21,96% so với đầu năm.

no-xau-vib.jpg

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là 2.266 tỷ đồng, giảm 8,57%; Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) là 3.728 tỷ đồng, tăng 1,13%; Đặc biệt, Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là 4.205 tỷ đồng, tăng 91,32%.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ 3,14% hồi đầu năm, lên 3,66% vào thời điểm cuối tháng 6/2024.

Xem thêm tại đây

Nợ xấu VietABank tăng 52%

Tính đến 30/6, tổng nợ xấu của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank; UPCoM: VAB) là 1.675 tỷ đồng, tăng 52% so với hồi đầu năm.

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là 605 tỷ đồng, tăng 5%; Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) là 246 tỷ đồng, tăng 11 lần; Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là 823 tỷ đồng, tăng 63,39%.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ 1,59% hồi đầu năm, lên 2,27% vào thời điểm cuối tháng 6/2024.

Xem thêm tại đây

Gia đình Chủ tịch Hồ Hùng Anh sở hữu 18,1% vốn Techcombank

Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố danh sách cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ, theo Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ 1/7.

Danh sách này gồm 13 cổ đông, trong đó có 6 cá nhân và 7 tổ chức nắm giữ 1,84 tỷ cổ phiếu TCB, tương đương tỷ lệ sở hữu 52,265% ngân hàng.

techcombank.jpg

Theo danh sách công bố của Techcombank, 4 quỹ ngoại gồm Quỹ đầu tư chính phủ Singapore sở hữu hơn 1% và Morgan Stanley & Co. International Plc 1,45%, COG Investment I B.V và người liên quan nắm 7.9%, Vesta VN Investments B.V và người liên quan nắm 7,9%. Công ty cổ phần Tập đoàn Masan và người liên quan nắm 15,2% vốn ngân hàng này.

Ngoài ra, còn có một doanh nghiệp là Công ty TNHH Mapleleaf chuyên về tư vấn định cư sở hữu lên tới 4,96% vốn nhà băng.

Trong đó, một số cá nhân nắm giữ trên 1% vốn có liên quan của ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank, và các thành viên trong gia đình.

Cụ thể, phu nhân Chủ tịch Techcombank nắm giữ gần 5%, và người thuộc diện có liên quan của bà, bao gồm cả cá nhân và tổ chức, sở hữu hơn 980 triệu cổ phiếu TCB, tương đương tỷ lệ sở hữu 27,8% ngân hàng. Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank nắm giữ hơn 1,1% vốn điều lệ. Ba người con của ông nắm giữ gần 12% cổ phần.

Xem thêm tại đây

Lãi suất huy động cao nhất 6%/năm

Tính đến ngày 2/8, nhà băng niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tiếp tục là ngân hàng ABBank, ở mức 6%/năm. Mức này đã giảm hơn so với tuần trước, khi cũng nhà băng này niêm yết ở mức 6,2%/năm.

Theo sau là ngân hàng BaoVietBank và BVBank, cùng niêm yết lãi suất huy động 5,8%/năm. Tiếp đến là ngân hàng GPBank niêm yết lãi suất huy động 5,75%/năm, …

Tại kỳ hạn 18 tháng, các ngân hàng HDBank, NCB và OCeanBank niêm yết lãi suất huy động cao nhất ở mức 6,1%/năm. Theo sau là các ngân hàng BaoVietBank, BVBank, SeABank ở mức 6%/năm, …..

Các ngân hàng TMCP quốc doanh gồm Agribank, Vietinbank, BIDV, Vietcombank vẫn giữ nguyên lãi suất huy động tiền gửi trong tuần qua. Trong khi, Agribank, Vietinbank, BIDV niêm yết kỳ hạn 12 và 18 tháng là 4,7%/năm, thì Vietcombank vẫn niêm yết với lãi suất 4,6%/năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tuần “báo xấu” của một loạt nhà băng: Sacombank, VietABank, VIB, ACB, Vietinbank, Vietcombank cùng ghi nhận nợ xấu “phình to”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO