VietABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế khả quan trong Quý 2/2024, nhưng “điểm đen” xuất hiện khi nợ có khả năng mất vốn tăng tới 63,39%

Lê Sáng | 13:21 03/08/2024

Quý 2/2024, VietABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 332 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ nhưng nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn tăng 63,39%, chiếm đến 48,75% tổng nợ xấu.

VietABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế khả quan trong Quý 2/2024, nhưng “điểm đen” xuất hiện khi nợ có khả năng mất vốn tăng tới 63,39%
VietABank hiện có nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn tăng 63,39%, chiếm 48,75% tổng nợ xấu.

Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank - UPCOM: VAB) vừa công bố báo cáo tài chính qúy 2/2024. 

Theo đó, quý 2/2024, VietABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 332 tỷ đồng, tăng 16,6%. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế của VietABank đạt gần 580 tỷ đồng, tăng 9,5% so với nửa đầu năm ngoái. Với kết quả này, VietABank đã thực hiện 55% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

vab-1.jpg
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2024 của VietABank

Dù lợi nhuận tăng trưởng tích cực nhưng bức tranh nợ xấu của VietABank lại không mấy khả quan.

Cu thể, về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 6/2024 là 1.675 tỷ đồng, tăng 52% so với mức 1.100 tỷ đồng đầu kỳ. Kéo theo tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 1,59% lên 2,27%.

vab.jpg
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2024 của VietABank

Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 5% lên 605 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) của VietABank tăng mạnh nhất khi gấp 11 lần cùng kỳ lên 246 tỷ đồng.

Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng tăng 63,39% so với đầu năm lên mức 823 tỷ đồng. Như vậy, số nợ xấu nhóm 5 của VietABank đang chiếm đến 48,75% tổng nợ xấu.

Trong giai đoạn từ 2020 đến quý I/2024, nợ xấu của VietABank tăng từ mức 957 tỷ đồng lên 1.679 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 của ngân hàng cũng không ngừng tăng từ 456 tỷ đồng trong năm 2020 lên 823 tỷ đồng tại thời điểm quý II/2024.

Về cơ cấu nợ vay theo ngành, ngoài cho vay cá nhân và các ngành nghề khác là 35.543 tỷ đồng, chiếm 48% tổng dư nợ cho vay.

VietABank đang cho vay nhiều nhất và đối với mảng thương mại, sản xuất và chế biến là 21.197 tỷ đồng, chiếm 28,7% tổng dư nợ cho vay. Tiếp đó là mảng xây dựng, khai khoáng với 13.857 tỷ đồng, chiếm 18,8%.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của VietABank đạt 108.929 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,9% so với đầu năm. Tổng tài sản giảm chủ yếu do khoản mục tiền, vàng gửi tại các tổ chức tín dụng khác và cho vay các tổ chức tín dụng giảm 34,4%, còn 14.410 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 73.796 tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng chạm mốc 86.327 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,4%.

Thách thức cho “sức khỏe” tài chính của VAB khi đang có tham vọng chuyển sàn

Mới đây, VietABank đã thông qua kế hoạch đưa cổ phiếu VAB niêm yết tại HNX hoặc HoSE. Hiện tại, VAB đang giao dịch trên sàn UPCoM.

Cùng với đó VietABank lên kế hoạch tăng vốn điều lệ.

Những động thái này của VietABank khiến các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đổ dồn sự chú ý vào cổ phiếu VAB của ngân hàng gắn liền với tên tuổi doanh nhân Phương Hữu Việt và hệ sinh thái Tập đoàn Việt Phương.

VietABank thành lập tháng 6/2003, do ông Phương Hữu Việt làm Chủ tịch HĐQT. Tháng 9/2021 ông Phương Hữu Việt rút lui, vị trí Chủ tịch HĐQT do ông Phương Thành Long, đảm nhiệm.

Ông Phương Thành Long là con trai ông Phương Hữu Lĩnh, anh trai ông Phương Hữu Việt.

Đáng chú ý, trong bức tranh tài chính của VAB hiện đang xuất hiện các khoản phải thu khác có liên quan mật thiết đến các cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến nhà sáng lập Phương Hữu Việt.

Cụ thể, tại Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 2/2024, khoản phải thu được ghi nhận là 2.962,5 tỷ đồng. Con số này giảm đáng kể so với mức 3.858,4 tỷ đồng thời điểm khóa sổ năm 2023. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 2/2024 dù có đề mục thuyết minh cho chỉ tiêu các khoản phải thu là V.14.2.

vab-2.jpg
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2024 của VietABank

Tuy nhiên, tại phần thuyết minh chi tiết, VietABank lại không trình bày tương ứng mà hạng mục các khoản phải thu lại xuất hiện trong phần thuyết minh số 13 về “Tài sản có khác”.

tm-bctc-quy-2-2024-vab.jpg
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2024 của VietABank

Trước đó, các khoản phải thu này được thể hiện rõ hơn tại BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023 của VietABank. Theo đó, tại thời điểm kết thúc năm 2023, tổng các khoản phải thu bên ngoài của VietABank đạt xấp xỉ 3.800 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong số các khoản này, chi tiết nhiều khoản khá bất ngờ.

vab-3.jpg
Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023 của VietABank

Có thể "điểm danh" một số khoản phải thu bên ngoài của VietABank tại thời điểm khóa sổ năm 2023 như: Khoản phải thu chờ xử lý liên quan đến sự vụ tại phòng giao dịch Đông Đô 232 tỷ đồng; Tiền đặt cọc mua bất động sản hơn 142 tỷ đồng; Đặt cọc đảm bảo thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư 1.300 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong các khoản phải thu của VietABank, có sự xuất hiện của CTCP LEC Group (347 tỷ đồng)… đã được tất toán vào cuối năm 2023. LEC Group là doanh nghiệp do Capella Group (hệ sinh thái Việt Phương) góp 50%.

Ngoài ra, cũng có khoản phải thu của CTCP Đầu tư Infinity Group về các khoản bán tài sản gán nợ 738 tỷ đồng. Đây là khoản phải thu liên quan việc ngân hàng chuyển nhượng bất động sản đã nắm giữ cho Infinity Group thông qua công tác xử lý nợ.

Về CTCP Đầu tư Infinity, doanh nghiệp thành lập tháng 11/2016, ban đầu do ông Ngô Tấn Dũng là Chủ tịch HĐQT.  Đến tháng 5/2018, ông Phương Xuân Thụy lên giữ vị trí Chủ tịch HĐQT. Tháng 11/2021, công ty tăng vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng.

Và những giao dịch thế chấp với doanh nghiệp "quen"

Ngoài mối liên hệ với CTCP Đầu tư Infinity, VietABank cũng đang nhận một loạt tài sản đảm bảo thế chấp cho hàng nghìn tỷ đồng khoản vay/nghĩa vụ tài chính của Công ty Cổ phần Sơn Trà - doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Việt Phương Group.

Theo đó, Công ty Sơn Trà (MST:0400451173) được thành lập ngày 4/8/2003, có địa chỉ trụ sở đăng ký tại Bãi Nam - Bãi Con, Phường Thọ Quang, Quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Ông Phương Hữu Việt  bắt đầu xuất hiện trong cơ cấu lãnh đạo Công ty Sơn Trà từ ngày 13/3/2017 với vai trò là Chủ tịch HĐQT.

Trong lần gần nhất doanh nghiệp này công bố thông tin thay đổi đăng ký, bà Phương Minh Huệ hiện là người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Sơn Trà trên cương vị là Chủ tịch HĐQT.  Bà Huệ hiện cũng nắm giữ vai trò này tại Việt Phương Group và một loạt doanh nghiệp khác trong “hệ sinh thái” của Việt Phương Group.

Về mối liên hệ về tín dụng, VietABank hiện là đối tác ngân hàng duy nhất mà Công ty Sơn Trà lựa chọn để thế chấp tài sản, quyền tài sản liên quan.

Gần đây nhất, ngày 19/3/2024, Sơn Trà đã thế chấp cho VietABank – CN Phan Thiết “toàn bộ các quyền tài sản phát sinh từ Dự án ‘Giai đoạn II - Tổ hợp du lịch quốc tế 5 sao Sơn Trà resort & spa’ Bãi Nam – Bãi Con, Phường Thọ Quang, Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng” làm tài sản bảo đảm cho khoản vay/nghĩa vụ tài chính lên đến 750 tỷ đồng.

Ngay trước đó, vào 12/3/2024, Sơn Trà cũng đã đăng ký thế chấp cho VietABank – CN Đà Nẵng “toàn bộ các quyền tài sản phát sinh từ giai đoạn II Dự án ‘Tổ hợp du lịch quốc tế 5 sao Sơn Trà Resort & spa’ địa chỉ tại Bãi Nam – Bãi Con, Phường Thọ Quang, Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng”, làm tài sản bảo đảm cho khoản vay/nghĩa vụ tài chính lên đến 700 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 12/4/2019, Sơn Trà đã phát sinh 02 hợp đồng thế chấp “Tài sản bảo đảm là toàn bộ các quyền tài sản của Bên bảo đảm với tư cách là Chủ đầu tư được hưởng phát sinh từ việc đầu tư, thực hiện và kinh doanh, khai thác Dự án ‘Giai đoạn II – Tổ hợp du lịch quốc tế cao cấp 5 sao – Sơn Trà Resort & Spa’ tại Bãi Nam – Bãi Con, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng” cho VietABank - CN Đà Nẵng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
VietABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế khả quan trong Quý 2/2024, nhưng “điểm đen” xuất hiện khi nợ có khả năng mất vốn tăng tới 63,39%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO