TS. Nguyễn Trí Hiếu: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nhà đầu tư cần “ngồi lại với nhau” để đàm phán gia hạn dù có thể kết quả là không mấy lạc quan

Lê Sáng | 15:26 14/02/2023

Bình luận với MarketTimes, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng với sự bức thiết của bài toán vốn cho thị trường bất động sản hiện nay cần sớm có giải pháp cấp bách như một chương trình hoãn, giãn nợ quốc gia.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nhà đầu tư cần “ngồi lại với nhau” để đàm phán gia hạn dù có thể kết quả là không mấy lạc quan
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.

Cần chương trình hoãn, giãn nợ quốc gia

Nhận định về bối cảnh thị trường vốn và tín dụng tại Việt Nam đang phải đối mặt trong năm 2023 khi một lượng lớn trái phiếu đến hạn trong khi nhiều doanh nghiệp đang bế tắc trong việc tìm phương án thanh toán cho nhà đầu tư, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính- ngân hàng, đây là vấn đề rất lớn và nguy hiểm, bởi trong đó, 1/3 là trái phiếu bất động sản.

Trước thực trạng đó, theo ông Hiếu, Chính phủ nên có một chương trình hoãn, giãn nợ, đặc biệt là cho trái phiếu bất động sản trong năm nay. Quy định có thể gia hạn 1 - 2 năm, nhưng chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp phát hành trong quá khứ đúng quy định; không áp dụng đối với doanh nghiệp phát hành trái quy định, lừa đảo, sử dụng tiền sai mục đích.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cho rằng, các doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư cũng cần “ngồi lại với nhau” để đàm phán gia hạn trái phiếu, dù có thể kết quả là không mấy lạc quan do thường nhà đầu tư không chấp nhận gia hạn và họ đòi phải trả nợ cho họ ngay khi đến hạn.

Bên cạnh vấn đề đàm phán, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, quy định về nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp “phải đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” có thể hoãn lại đến năm 2024, để nhiều nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu, tháo gỡ thanh khoản cho thị trường.

Nhận định về một số giải pháp đã được đề xuất thời gian qua để xử lý vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản như để doanh nghiệp bán tài sản để trả nợ, vay ngân hàng, hoặc đề xuất là chuyển nợ thành cổ phiếu cho nhà đầu tư, ông Hiếu cho rằng tất cả những giải pháp đó về mặt lý thuyết là hợp lý, nhưng khả năng thực hiện rất giới hạn.

“Các nhà đầu tư không còn nhiều tài sản để đi vay bên ngoài, các nhà phát hành cũng không có nhiều tài sản để cầm cố vay ngân hàng, nhiều tài sản là dự án dang dở nên cũng không bán đi được. Chưa kể, bản thân nhà đầu tư cũng không mặn mà chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu khi công ty gặp khó khăn. Họ đang ở vị thế người cho vay thì lại phải trở thành cổ đông, làm tăng rủi ro cho họ”, ông Hiếu phân tích.

Lộ trình tái cơ cấu tổng thể, dài hạn

Bên cạnh những giải pháp cấp bách để “chữa cháy” cho những khó khăn của vấn đề vốn và tín dụng bất động sản hiện nay, theo ông Hiếu, về dài hạn cần tính đến những giải pháp tổng thể để phát triển ổn định, lành mạnh thị trường vốn nói chung, đặc biệt là vốn và tín dụng cho bất động sản nói riêng.

Các nhóm vấn đề lớn mang tính định hướng được TS. Nguyễn Trí Hiếu gợi mở gồm, thứ nhất, những chuẩn mực về tín dụng cho vay bất động sản cần đảm bảo không được hạ thấp, các doanh nghiệp vẫn phải tính toán, đảm bảo về dòng tiền, chỉ số lợi nhuận, chỉ số đòn bẩy tài chính…

Thứ hai, các doanh nghiệp đi vay phải tự tái cơ cấu hệ thống tài chính, dòng tiền của mình để có thể trả nợ. Hãy dừng việc lấy tiền “tay trái” cho vay “tay phải”, lấy tiền của người dân qua phát hành trái phiếu để đầu tư vào các dự án rủi ro. Nếu không dừng lại việc đó, Ngân hàng Nhà nước có đổ bao nhiêu tiền vào tín dụng bất động sản thì tiền đó cũng mất.

Thứ ba, Chính phủ cần có chương trình hoãn, giãn nợ quốc gia cho tất cả doanh nghiệp sắp đến hạn, nhưng chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Thứ tư, theo ông Hiếu, vấn đề lãi suất hiện tại rất nhạy cảm, vì ai cũng muốn lãi suất được kéo xuống, nhưng kéo xuống sẽ làm bùng lạm phát, giá trị tiền đồng giảm xuống khiến tỷ giá tăng lên. Bởi vậy, vẫn nên duy trì lãi suất cao, nhưng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có chương trình hỗ trợ lãi suất cho một số phân khúc thị trường, nhóm đối tượng, như chương trình cấp bù lãi suất năm 2022.

Thứ năm, cần xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu để loại trừ những doanh nghiệp huy động vốn sử dụng sai mục đích.

Cuối cùng, thứ sáu, theo ông Hiếu, Chính phủ nên có một chương trình cho vay đặc biệt để hỗ trợ nhà ở xã hội như gói 30.000 tỷ đồng đã từng thực hiện, hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm phù hợp với nhu cầu đại bộ phận xã hội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nhà đầu tư cần “ngồi lại với nhau” để đàm phán gia hạn dù có thể kết quả là không mấy lạc quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO