Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa trình UBND TP.HCM ban hành danh mục 33 công trình, dự án giao thông vận tải trọng điểm năm 2023 trên địa bàn.
Trong đó có một dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách TP và ngân sách trung ương; Hai dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách TP và ODA; Một dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách TP và PPP; 17 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách TP; chín dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn PPP.
Theo Sở GTVT TP việc liệt kê danh mục các dự án công trình trọng điểm là để tập trung thực hiện đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm. Từ đó, đáp ứng yêu cầu của Bộ Chính trị và Chính phủ đối với TP tại Nghị quyết số 24.
Theo đó, TP.HCM dự kiến xây đường liên cảng Phú Hữu - Cát Lái - Vành đai 3 TP.HCM từ nguồn thu phí cảng biển với tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng. Dự án đang được Sở GTVT TP lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến thông qua báo cáo tiền khả thi trong năm nay và khởi công vào năm 2024.
Công trình đường liên cảng với quy mô 12 làn xe, dài hơn 6 km. Điểm đầu từ đường Nguyễn Thị Định, đi qua rạch Ông Nhiêu, điểm cuối tại nút giao vành đai 3. Đoạn từ Nguyễn Thị Tư đến rạch Ông Nhiêu bao gồm cầu cạn và đường song hành hai bên. Đoạn từ Rạch Ông Nhiêu đến vành đai 3 đi trên cao.
Với tổng khối lượng giải phóng mặt bằng khoảng 59 ha. Từ cảng Phú Hữu sẽ có 2 nhánh cầu lên xuống, điểm cuối tuyến sẽ kết nối vành đai 3 tại nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Ngoài ra, trong danh mục nói trên, Sở GTVT TP cũng cho biết, có 20 dự án đã có quyết định phê duyệt đầu tư, gồm metro số 1, metro số 2, quốc lộ 50, vành đai 3 TP.HCM, đoạn 3 đường vành đai 2 (từ đoạn Phạm Văn Đồng đến cầu vượt Gò Dưa), nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy, mở rộng xa lộ Hà Nội,...
Nhóm 13 dự án chuẩn bị đầu tư sẽ được thực hiện bằng nguồn ngân sách và đối tác công tư - PPP. Trong đó, các dự án đầu tư công gồm đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội) và đoạn 2 (từ ngã tư Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng) thuộc đường vành đai 2; Nâng tĩnh không hai cầu Bình Phước 1, Bình Triệu 1; Xây mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý (hơn 491,6 tỷ đồng).
Đối với nhóm dự án chuẩn bị đầu tư cũng có nhiều công trình quan trọng sẽ được thực hiện bằng hình thức PPP, như cao tốc Mộc Bài - TP.HCM (Hội đồng thẩm định liên ngành đang thẩm định báo cáo tiền khả thi), vành đai 4 TP.HCM đoạn qua TP, đường nối đại lộ Võ Văn Kiệt đến đường vành đai 3 TP.HCM.
Bên cạnh đó còn có các dự án khác như: Cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, cầu đường Bình Tiên.
Để hoàn thành khối lượng công việc trên, Sở GTVT kiến nghị UBND TP giao nhiệm vụ các sở ngành và đơn vị liên quan phối hợp thực hiện giao các chủ đầu tư dự án xây dựng tiến độ chi tiết thực hiện từng dự án. Từ đó, các quận huyện theo dõi, phối hợp thực hiện. Đồng thời, chủ động phối hợp với các Sở ngành, quận huyện triển khai thực hiện dự án và chịu trách nhiệm chính về tiến độ dự án.
Các đơn vị liên quan cần định kỳ hằng tháng, quý, năm báo cáo UBND TP về tình hình, kết quả thực hiện các dự án, công trình trọng điểm. Đồng thời, báo cáo đầy đủ, kịp thời những khó khăn, vướng mắc để UBND TP xem xét chỉ đạo các Sở ngành phối hợp giải quyết.
Theo UBND TP.HCM, cảng Tân Cảng - Cát Lái nằm trên sông Đồng Nai thuộc khu Đông Bắc của TP.HCM, là cảng trọng điểm, quan trọng đối với xuất nhập khẩu hàng hóa của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.
Sản lượng hàng container của cảng Cát Lái hiện chiếm khoảng 85% so với các cảng phía Nam và 50% so với các cảng trên cả nước. Hiện nay, giao thông ra vào khu vực cảng Cát Lái - Phú Hữu rất khó khăn, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Do đó, việc mở tuyến đường liên cảng Phú Hữu - Cát Lái - Vành đai 3 theo đánh giá của UBND TP.HCM là rất cấp thiết